Bánh gián nay đã có thật rồi, và rất có thể trong tương lai sẽ được dùng để thay thế bánh mì bình thường, khi Trái đất rơi vào cảnh khan hiếm thực phẩm.
Bạn đang ăn một chiếc bánh mì nhân thịt, phô mai kèm nước sốt ngon đến tắc thở. Nhưng rồi đầu bếp đi ra và bảo với bạn rằng chiếc bánh mì bạn đang ăn được làm từ... gián. Lúc này bạn nghĩ sao nhỉ?
Nếu thấy ghê sợ thì có một tin buồn cho bạn đây! Việc ăn bánh mì làm từ gián trong tương lai nhiều khả năng sẽ trở thành một xu thế không thể thay đổi.
Bánh mì làm từ gián sẽ là xu hướng của tương lai.
Chuyện con người ăn côn trùng cũng không có gì lạ. Ở nhiều quốc gia, người ta còn có cả một nền ẩm thực liên quan đến côn trùng. Từ châu chấu, cào cào, nặng đô hơn một tý thì bọ cạp, nhền nhện... tất cả đều có.
Đương nhiên trong đó có cả gián nữa - như đặc sản gián chiên của người Campuchia và Thái Lan.
Về cơ bản, các loài côn trùng là một nguồn bổ sung protein cực kỳ ấn tượng, chẳng thua kém gì so với các loại thịt cá thông thường. Ước tính, hiện có khoảng 2 tỉ người trên thế giới vẫn thường xuyên ăn côn trùng.
Các món ăn từ côn trùng.
Dành cho những người chưa biết thì ngành chăn nuôi đang gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình biến đổi khí hậu và nhiệt độ toàn cầu nóng lên. Thế nên, việc sử dụng côn trùng thay các loại thịt truyền thống đang dần được các nhà khoa học để tâm.
Lý do là bởi côn trùng có thể sinh sôi với tốc độ nhanh hơn động vật thông thường rất nhiều, mà lại không tốn quá nhiều thức ăn. Theo giáo sư dinh dưỡng học Enio Viera, để sản xuất ra 1kg thịt cần đến khu đất rộng 250m2; trong khi với ngần ấy côn trùng, bạn chỉ cần 30m2 thôi. Lượng nước cần sử dụng cũng ít hơn: 1000 lít nước cho 1kg bọ so với 20.000 lít dành cho 1kg thịt bò.
Các chuyên gia tại ĐH Liên bang Rio Grande (Brazil) đã nảy ra ý tưởng chế tạo ra một loại bánh mì làm từ gián.
Yên tâm, đó không phải là những con gián bạn vẫn thấy thường ngày đâu. Những con gián được dùng ở đây là nauphoeta cinerea - loài gián có cái tên khá... quyến rũ là "gián tôm hùm". Chúng vốn là loài bản địa của Bắc Phi, nhưng giờ có mặt ở mọi nơi trên thế giới.
Loài gián được mệnh danh là... tôm hùm.
Muốn biến lũ gián thành bánh mì cần một quy trình khá phức tạp. Đầu tiên, gián sẽ được làm khô và nghiền thành bột mịn, sau đó trộn với bột mì thông thường rồi từ đó làm bánh mì thôi.
Theo tính toán, một chiếc bánh mì 100g chỉ cần chứa 10% bột gián khô là đã có thêm 22g protein, trong khi bánh thường chỉ đạt 9g. Hơn nữa, sự có mặt của bột gián còn giúp giảm lượng chất béo trong bánh tới 68%.
Theo Myrian Salas Mellado - kỹ sư chịu trách nhiệm cho dự án, thì hương vị bánh mì không bị ảnh hưởng nhiều sau khi trộn thêm bột gián.
"Chúng tôi đã thử nghiệm về kết cấu, mùi, màu và hương vị của chiếc bánh. Kết quả không có gì ảnh hưởng. Một số người với vị giác nhạy hơn bình thường thậm chí có thể thấy mùi... đậu phộng trong bánh".
Hương vị bánh mì không bị ảnh hưởng nhiều sau khi trộn thêm bột gián.
Còn nhìn bên ngoài, bánh gián và bánh thường sẽ không khác gì nhau, vì kết cấu không có gì thay đổi.
Tóm lại, bánh gián có vị giống đậu phộng, và nhiều khả năng sẽ được sử dụng trong tương lai khi Trái đất bị khan hiếm thực phẩm.
Vấn đề là lúc này liệu bạn có dám ăn không?