Lahore, Pakistan, luôn ngập tràn sức sống về đêm. Nhưng đợt ô nhiễm không khí kỷ lục vào mùa đông năm nay đã làm đảo lộn nhịp sống của thành phố này.
Trong thành phố Lahore nhộn nhịp với 14 triệu dân, lịch sử phong phú và những công trình lộng lẫy, buổi tối luôn mang một ý nghĩa đặc biệt. Các khu chợ tấp nập người mua bán, các gia đình tụ họp tại những “khu phố ẩm thực” sầm uất. Và những tháng cuối năm, mùa cưới đạt đỉnh với những buổi lễ lộng lẫy kéo dài tới tận đêm khuya.
Tuy nhiên, khi một lớp sương mù dày đặc và ngột ngạt che mờ đường chân trời ở Lahore trong tháng này, chính phủ Pakistan đã áp đặt các biện pháp hạn chế làm thay đổi nhịp sống của thành phố, theo New York Times.
Chợ và sảnh cưới phải đóng cửa trước 20h. Quán ăn ngoài trời bị cấm hoạt động. Công viên, vườn thú, di tích lịch sử và bảo tàng đều phải đóng cửa. Các lệnh phong tỏa toàn diện vào cuối tuần cũng sẽ được thực hiện trong vài ngày tới - gợi nhớ đến những hạn chế thời đại dịch Covid-19.
“Người dân ở đây thường đi mua sắm sau 16-17h chiều khi đàn ông tan làm”, ông Chaudhry Kabir Ahmed, lãnh đạo hội thương nhân chợ Ichhra, Lahore, cho biết. “Giờ chính phủ yêu cầu chúng tôi đóng cửa trước 20h. Thật khó để thay đổi thói quen của mọi người nhanh chóng như vậy. Nếu mở cửa muộn, chúng tôi bị chính quyền kiểm tra đột xuất và phạt nặng”.
Lahore, thủ phủ của tỉnh Punjab đông dân nhất Pakistan, thường xuyên nằm trong danh sách thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Theo IQAir, nhóm giám sát khí hậu từ Thụy Sĩ, Lahore đã đạt mức ô nhiễm kỷ lục trong những tuần gần đây, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới 1.100 vào ngày 14/11. Chỉ số AQI trên 150 được coi là “không lành mạnh” và trên 300 được coi là “nguy hiểm”.
Tỉnh Punjab giáp với miền Bắc Ấn Độ, và cả hai khu vực đều đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí đáng báo động. Hôm 18/11, chỉ số AQI ở thủ đô New Delhi (Ấn Độ) đạt 1.785 và thủ hiến thành phố đã phải tuyên bố “tình trạng y tế khẩn cấp”.
Tại Lahore, nồng độ bụi mịn trong không khí - những hạt bụi có thể thâm nhập sâu vào phổi và thậm chí vào máu - gần đây đã cao hơn 100 lần so với mức an toàn theo WHO, bà Christi Chester Schroeder, quản lý khoa học chất lượng không khí tại IQAir, cho biết.
Ngay cả ngoài mùa sương mù thông thường kéo dài từ tháng 11 đến tháng 1, không khí ở thành phố này vẫn bị ô nhiễm. Lahore chưa có một ngày nào được đánh giá là “chất lượng không khí tốt” kể từ tháng 7/2021, bà Chester Schroeder cho biết.
Ngày 15/11, chính quyền tỉnh tuyên bố ô nhiễm không khí là một cuộc khủng hoảng y tế và cho biết gần 2 triệu người đã mắc bệnh. Bệnh viện phải kéo dài thời gian làm việc, tăng cường thuốc điều trị bệnh đường hô hấp và trang bị thiết bị hỗ trợ hô hấp cho xe cấp cứu, bà Marriyum Aurangzeb, lãnh đạo cấp cao của tỉnh Punjab, cho biết.
Gần đây, UNICEF cũng đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ của hơn 11 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tại tỉnh này. Các phòng cấp cứu tại Lahore đang chật cứng bệnh nhân - trong đó có nhiều trẻ em - mắc các bệnh như khó thở, viêm họng, ho dai dẳng và kích ứng mắt.
Sumaira, 25 tuổi, ôm con trong Bệnh viện Dịch vụ (Services Hospital) ở Lahore, Pakistan. (Ảnh: New York Times).
“Đứa con mới một tháng tuổi của tôi đang khó thở”, Sumaira, 25 tuổi, vừa nói vừa bế con tại Bệnh viện Dịch vụ (Services Hospital). “Tôi không biết nguyên nhân chính xác là gì, nhưng tôi thấy vô số trẻ em có vấn đề tương tự. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho thời tiết tốt hơn”.
Trong khi đó, ông Ahmad Rafay Alam, luật sư môi trường tại Lahore và là chuyên gia chất lượng không khí đã gửi thư cho Thủ tướng Shehbaz Sharif, kêu gọi chính phủ hành động ngay lập tức. Trích dẫn các nghiên cứu khoa học, ông Alam cho biết khoảng 45% lượng không khí ô nhiễm quanh năm ở Lahore xuất phát từ khí thải giao thông, chủ yếu do sử dụng nhiên liệu chất lượng thấp. 40% khác là do khí thải công nghiệp và sản xuất năng lượng.
Ông nói rằng các giải pháp cho những vấn đề này “không hề rẻ hay nhanh chóng”.
Song các chuyên gia cho rằng nhiệm vụ cải thiện chất lượng không khí không thể chỉ phụ thuộc vào một quốc gia trong khu vực. Năm 1998, các quốc gia Nam Á, bao gồm Pakistan và Ấn Độ, đã ký Tuyên bố Malé nhằm hợp tác giải quyết ô nhiễm không khí xuyên biên giới.
Tuy nhiên, hiệu quả của thỏa thuận này bị hạn chế bởi thiếu hụt kinh phí và ý chí chính trị. Vấn đề này thu hút sự chú ý trở lại khi thủ hiến tỉnh Punjab, bà Maryam Nawaz, gần đây kêu gọi tiến hành "ngoại giao sương mù" với Ấn Độ.
Đối với hầu hết cư dân Lahore, sương mù đã trở thành một điều tàn nhẫn. Những tháng không khí độc hại giờ đây còn được gọi là “mùa thứ năm”.
Trong một ngôi nhà chật chội ở ngoại ô Lahore, cách biên giới Ấn Độ chỉ 11km, một gia đình 10 người phải chịu đựng không khí ngột ngạt len lỏi qua những khung cửa sổ đã nứt và cửa ra vào.
“Không khí bên ngoài đặc quánh và nồng nặc, nhưng ở trong nhà cũng không thể tránh được”, bà Amna Bibi, 60 tuổi, người lớn tuổi nhất gia đình, chia sẻ. Trong hơn hai thập kỷ sống tại Lahore, bà đã chứng kiến tình trạng sương mù ngày càng tồi tệ hơn qua mỗi mùa đông.
“Mỗi năm, việc hít thở lại càng khó khăn hơn”, bà than thở.
Trường học ở Lahore phải đóng cửa vì không khí ô nhiễm. (Ảnh: New York Times).
Khi các trường học trên khắp thành phố phải đóng cửa do không khí độc hại, trẻ em bị giam trong nhà hoặc chơi trên đường phố, dù nhiều em đã mắc các bệnh như viêm họng.
Những gia đình như gia đình bà Bibi ở các khu dân cư thu nhập thấp không thể đủ khả năng mua các biện pháp bảo vệ, chẳng hạn máy lọc không khí, thứ vốn đã là điều hiển nhiên với nhóm cư dân giàu có.
Trong khi đó, một số người tin rằng sương mù là dấu hiệu cho thấy sự tức giận của thần thánh. Tại một buổi cầu nguyện vào tuần trước, hàng trăm nghìn người Hồi giáo trên khắp tỉnh Punjab đã thực hiện nghi thức cầu nguyện đặc biệt để cầu mưa làm giảm ô nhiễm.
“Lũ lụt, sương mù, động đất - tất cả đều là dấu hiệu từ cơn thịnh nộ của Thượng đế đối với chúng ta. Đã đến lúc cầu nguyện để xin tha thứ”, Syed Hashim, 23 tuổi, sinh viên đại học tham gia buổi cầu nguyện, nói.
Ngoài khí thải từ phương tiện giao thông và hoạt động công nghiệp, việc đốt rơm rạ từ lâu cũng được xác định là nguyên nhân chính gây ra không khí độc hại vào mùa đông ở Lahore. Song nhiều nông dân cho rằng họ đang bị đổ lỗi một cách bất công.
“Tại sao lại lãng phí thời gian và tiền bạc để đổ lỗi cho chúng tôi? Tại sao không tập trung vào các nguồn ô nhiễm lớn hơn, như giao thông và công nghiệp?”, ông Ghulam Mustafa, 41 tuổi, một nông dân ở ngoại ô Lahore, chất vấn. “Ngược lại, sương mù đã làm hỏng chất lượng mùa màng của chúng tôi, và giờ chúng tôi phải tốn thêm tiền mua hóa chất đắt đỏ để phun”.
Đối với Maskeen Butt, kỹ sư phần mềm 29 tuổi, sương mù và các hạn chế do chính phủ áp đặt đã khiến việc lên kế hoạch cho đám cưới của anh vao giữa tháng 12 gặp nhiều trở ngại.
“Cuộc sống về đêm ở Lahore là một phần trải nghiệm của đám cưới - mua sắm váy cưới, trang sức và đồ trang trí, cũng như phát thiệp mời, cho đến tận khuya”, anh nói. “Giờ đây, khi các cửa hàng bắt buộc phải đóng cửa sớm, những người phải làm việc cả ngày như tôi, gần như không thể xoay xở”.
Việc các sảnh tiệc cưới phải đóng cửa sớm cũng khiến Butt thêm khó chịu. “Khách mời không bao giờ đến sớm cả. Điều đó sẽ khiến mọi thứ trở nên vội vã và ít náo nhiệt hơn nhiều so với những gì đám cưới của tôi nên có”, anh nói.