Bão Mirinae vào Nam Định - Ninh Bình

  •  
  • 572

Với sức gió tối đa 90km/h, gió bão quật đổ nhiều cây xanh, cột điện. Mưa sau bão có thể kéo dài 1-2 ngày, nguy cơ gây ngập úng ở nhiều khu vực miền Bắc và Thanh Hóa.

Khi tiệm cận đất liền, bão Mirinae đi chậm hơn dự kiến. Đến 22h ngày 27/7, tâm bão đổ bộ hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình với sức gió tối đa 90km/h (cấp 9).

Tại huyện ven biển Giao Thủy (Nam Định), gió mạnh và liên tục đảo chiều, quật đổ nhiều cây xanh, giật tung một số biển quảng cáo. Mưa theo từng cơn, lúc như trút nước, lúc lại tạnh. Hầu hết người dân nghe tin bão đã đóng cửa kín nên đường vắng tanh.

Trước đó trên đường chạy trú bão, 2 tàu cá của ngư dân Nam Định đã bị sóng đánh chìm tại cửa biển Ba Lạt, gần thị trấn Quất Lâm. "Các ngư dân kịp thoát ra ngoài, bơi vào bờ an toàn", ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch tỉnh thông tin.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, ông Định Văn Điến, lúc 21h vẫn đang chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão tại huyện Kim Sơn. Ông yêu cầu các lực lượng tăng cường tuần tra canh gác, bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập, các trọng điểm xung yếu theo phương án đã được phê duyệt.


Đường Hoàng Công Chất ở thành phố Thái Bình, nhiều cây đổ gục vì gió bão. (Ảnh: Nguyễn Hậu).

Tại huyện này đang có mưa và gió mạnh cấp 7-9. "Toàn tỉnh Ninh Bình chưa ghi nhận thiệt hại về người và tài sản", lãnh đạo tỉnh cho biết.

Nằm sát vùng tâm bão, tỉnh Thái Bình lúc 23h có gió rít mạnh, kèm theo mưa to từng đợt. Nhiều cây có đường kính 20cm ở thành phố Thái Bình gục đổ. Một số cột điện cũng bị đổ, buộc nhà chức trách phải cắt điện lưới để đảm bảo an toàn.

Tại Thanh Hóa, từ 21h nhiều khu vực đã có mưa và gió mạnh. Ở huyện Nga Sơn, gió hất tung mái ngói của một số nhà dân, buộc bà con phải sơ tán ngay trong đêm.

Cơ quan khí tượng dự báo, trong 12-24 giờ tới Thanh Hóa tiếp tục có mưa to, tổng lượng cả đợt khoảng 100-200mm, có nơi trên 200 mm. Các sông sẽ xuất hiện một đợt lũ với mực nước dâng ở thượng lưu khoảng 2-5 m, ở hạ lưu 1-3m.

"Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng ở Thanh Hóa là rất cao", chuyên gia khí tượng cảnh báo.

Nằm cách xa tâm bão, lúc 22h tại Hải Phòng gió bắt đầu mạnh lên, mưa như trút nước. Đường phố không còn người, trừ một số xe đầu kéo chở hàng ra vào cảng.

Bóng màu xanh, tím là dự báo đường đi của bão.
Bóng màu xanh, tím là dự báo đường đi của bão. (Ảnh: NCHMF).

Đến 24h, sau khi đi vào Nam Định - Ninh Bình, cơn bão đầu tiên trong năm đã suy giảm cường độ và tiếp tục tiến sâu vào đất liền. Các địa phương như Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình chưa ghi nhận thiệt hại về người.

Hà Nội nằm trong vùng ảnh hưởng của bão nên từ 13h chiều bắt đầu có gió; đến 22h mưa nặng hạt sau đó ngưng. Từ 24h, mưa to liên tục.

Theo ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội, nếu lượng mưa trên 100 mm kéo dài 2 giờ, Hà Nội sẽ có 16 điểm ngập nghiêm trọng ở 8 quận trung tâm. Điều lo ngại là bão gây mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ nên khả năng các sông lớn như Nhuệ, Tô Lịch, sông Hồng nước dâng cao, gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước của nội đô.

Gió bão quật đổ nhiều cây xanh.
Gió bão quật đổ nhiều cây xanh. (Ảnh: Nguyễn Hậu).

Được hình thành từ áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, bão Mirinae sau đó tiến nhanh theo hướng tây bắc, vượt qua đảo Hải Nam (Trung Quốc), vào vịnh Bắc Bộ trong sáng 27/7, mạnh cấp 9.

Đây là cơn bão đầu tiên ở biển Đông trong năm nay. Trước đó có 4 áp thấp nhiệt đới, nhưng không gây ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Cơ quan khí tượng cho biết, năm nay bão đến muộn và số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ ít hơn trung bình nhiều năm, khoảng 4-5 cơn.

Cập nhật: 28/07/2016 Theo VnExpress
  • 572