Siêu bão Noru hình thành và mạnh lên nhanh chóng là do đâu?

  •  
  • 650

Sau khi càn quét qua đảo Luzon (Philippines), siêu bão Noru hướng ra biển Đông và "hồi sinh" sức mạnh trước khi đổ bộ vào miền Trung nước ta.


Sức mạnh của bão Noru khi di chuyển qua đảo Luzon, Philippin. (Ảnh: Noru).

Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm gia tăng nhanh chóng sức mạnh của siêu bão Noru.

Đây là cơn bão mạnh nhất tại Biển Đông từ đầu năm tới nay. Ngày 25/9, cơn bão đã đổ bộ vào khu vực đảo Luzon, Philippines với tốc độ 195 km/h, sức công phá của cơn bão đã gây nên nhiều thiệt hại nghiêm trọng như lở đất, mưa lớn và gió mạnh khiến khoảng 8.400 người trong vùng nguy hiểm phải sơ tán, hàng chục chuyến bay phải hủy bỏ.


 Ảnh vệ tinh siêu bão Noru chụp ngày 25/9, cho thấy xoáy thuận nhiệt đới lớn dự báo sức mạnh của cơn bão này (Ảnh: Toute la Thailande).

Dự kiến, sau khi càn quét qua đảo Luzon, siêu bão Noru sẽ hướng ra biển Đông và "hồi sinh" sức mạnh trước khi đổ bộ vào miền Trung nước ta.

Các nhà khoa học cho biết, biến đổi khí hậu do con người gây ra đang làm tăng khả năng tăng cường sức mạnh nhanh chóng của các cơn bão.

Để có thể dự đoán được sức mạnh của một cơn bão, hay áp thấp nhiệt đới, các nhà khoa học sẽ dựa vào hình ảnh vệ tinh từ các xoáy thuận nhiệt đới, đặc trưng bởi một trung tâm có áp suất thấp, gió mạnh và cấu trúc mây dông xoắn ốc tạo ra mưa lớn.

Tùy vào vị trí và cường độ, các xoáy thuận nhiệt đới được đề cập bằng nhiều tên gọi khác nhau như: hurricane (bão cuồng phong), tropical storm (bão nhiệt đới), bão xoáy (cyclonic storm), hay áp thấp nhiệt đới (tropical depression)...

Cụ thể, bão Noru đã nhảy vọt tốc độ tăng cường nhanh chóng về xoáy thuận nhiệt đới trong 24 giờ lên đến 90 kts, đánh dấu mức tăng nhanh thứ 4 trong các cơn bão từng được ghi nhận.

Theo một báo cáo của Trung tâm Giải pháp Khí hậu và Năng lượng (C2ES) có trụ sở tại Mỹ, những thay đổi lâu dài của biến đổi khí hậu dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm tần suất, cường độ và tác động của các cơn bão. 

Như nhiệt độ nước biển ấm hơn sẽ làm tăng tốc độ gió của bão, gây thiệt hại hơn khi chúng đổ bổ vào đất liền. Bên cạnh đó, chúng cũng gây ra các trận cuồng phong, với lượng mưa từ các cơn bão nhiều hơn 10-15%. 

Mực nước biển dâng là một yếu tố quan trọng làm tăng sức mạnh của các cơn bão, mực nước biển trung bình trên thế giới hiện đã tăng hơn nửa feet (1 feet = 30,48 cm) kể từ năm 1900 và dự kiến sẽ tăng từ 1 đến 2,5 feet trong thế kỷ này do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Điều này làm tăng nguy cơ lũ lụt cho các khu vực ven biển khi gặp bão.

Ngoài ra, những thay đổi trong bầu khí quyển như sự ấm lên của Bắc Cực hay nhiệt độ tăng lên của các vĩ độ trung bình có thể làm thay đổi mô hình của các cơn bão nhiệt đới dẫn đến xuất hiện nhiều các cơn bão ở các vĩ độ cao hơn.

Các nhà khoa học đã quan sát thấy sự dịch chuyển của các cơn bão về phía Bắc mà tại đó chúng đạt cường độ cao nhất từng được ghi nhận ở Thái Bình Dương trong đó có cơn bão Noru - một trong 4 cơn bão đã tăng cường xoáy thuận nhiệt đới nhanh nhất trong lịch sử.

 Các tàu thuyền được lai dắt vào bờ
 Các tàu thuyền được lai dắt vào bờ, từ ngày 25/9 TP Hội An sẽ tạm cấm biển để phòng tránh siêu bão Noru (Ảnh: Ngô Linh).

Do ảnh hưởng của bão Noru, từ chiều 25/9, vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 12-13, giật cấp 16. Sóng biển cao từ 6-8m, vùng gần tâm bão sóng biển cao từ 8-10m, biển động dữ dội.

Đây là cơn bão rất mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền khu vực Trung Bộ, có thể gây mưa rất lớn, kéo theo đó là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Cập nhật: 27/09/2022 Dân Trí
  • 650