Bảo vệ rừng sẽ được thưởng hàng tỉ USD

  •  
  • 354

Những biện pháp cụ thể tiếp tục là chủ đề chính tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thay đổi khí hậu ở Bali (Indonesia).

Ngày 5-12, đại biểu các nước đã cùng làm việc để tìm cách xác định ra cơ chế về mua bán quota khí thải để các nước đang phát triển có thể bán quota khí thải của mình cho các nước phát triển. Ngoài ra, chặn lại việc phá rừng cũng là một trong những chủ đề trọng tâm.

Reuters dẫn lời các nhà khoa học cho rằng phá rừng làm tăng khoảng 20% lượng CO2 gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu. Ngưng phá rừng, hoặc ít nhất là giảm mức độ tàn phá được coi là nhiệm vụ quan trọng của hiệp ước mới về khí hậu.

Một thành viên bảo vệ môi trường kêu gọi bảo vệ rừng tại Bali ngày 5-12 (Ảnh: TTO)

Theo đó, một kế hoạch có tên REDD sẽ giúp các nước đang phát triển có thể kiếm hàng tỉ USD bằng cách đơn giản là duy trì các khu rừng ở lưu vực sông Amazon và Congo. Hiệp ước Kyoto trước đó không bao gồm điều khoản thưởng cho những nước đang phát triển nếu họ duy trì được diện tích rừng. Nếu thỏa thuận được điều này, đây sẽ là cơ chế khuyến khích thích hợp để các nước đang phát triển chú tâm hơn nữa tới việc gìn giữ và trồng rừng.

Hiện những quốc gia cản trở việc đàm phán hiệp định mới được xác định là Mỹ và một số nước có nền kinh tế trỗi dậy như Trung Quốc và Ấn Độ. Tờ Spiegel trích nguồn tin từ Nhà Trắng cho rằng Mỹ đang tìm cách thiết lập liên minh với Trung Quốc và Ấn Độ để bác bỏ việc đưa ra các qui định về bắt buộc giảm khí thải. Mỹ hi vọng cả Trung Quốc và Ấn Độ cùng công bố quyết định không chấp nhận việc cắt giảm khí thải bắt buộc.

Trong lúc này Viện Nghiên cứu thực phẩm quốc tế vừa ra tuyên bố cho biết tình trạng nóng lên toàn cầu sẽ làm giảm nghiêm trọng sản lượng lương thực toàn cầu, đặc biệt ở các nước châu Phi. Báo cáo mới cho biết các nước nghèo sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn các nước giàu do sản lượng nông nghiệp thấp, việc trồng trọt chịu ảnh hưởng nhiều bởi lượng nước mưa. Joachim von Braun, tác giả của báo cáo, cho biết: "Nhu cầu thực phẩm, nhiên liệu tăng sẽ dẫn đến giá cả tăng ghê gớm. Những tháng ngày mà giá cả lương thực giảm có lẽ đã qua rồi".

Liên Hiệp Quốc hiện hi vọng hội nghị trong hai tuần này là tiền đề để hoàn tất một nghị định môi trường lớn hơn vào năm 2009 thay thế Nghị định Kyoto sẽ kết thúc vào năm 2012.  

THANH TUẤN

Theo Tuổi trẻ
  • 354