Bắt được "quái ngư" miệng rộng ở vực biển sâu 4000m

  •  
  • 1.840

Các nhà khoa học quốc tế bắt được một con cá có vẻ ngoài dữ tợn với chiếc miệng rộng đầy răng khi thám hiểm vực sâu Australia.

Nhóm nghiên cứu trên tàu Investigator của Cơ quan Hải dương Quốc gia, tìm thấy một con cá thằn lằn biển sâu (Bathysaurux ferox) khi thám hiểm vực sâu 4.000m phía đông Australia, National Geographic hôm 7/6 đưa tin.

"Tôi nhận ra gốc vây cột sống dài của Bathysaurus ferox (loài còn lại trong họ cá này là Bathysaurus mollis có gốc vây cột sống ngắn và hàng vây thứ hai rất nhỏ gần đuôi). Đôi mắt và hàm răng lớn của chúng là đặc điểm cơ bản để phân loại động vật ăn thịt rình mồi", nhà nghiên cứu John Pogonoski ở tổ chức Australian National Fish Collection, cho biết.

Cá thằn lằn biển sâu là loài sống đơn độc, thường đi săn bằng cách rình mồi.
Cá thằn lằn biển sâu là loài sống đơn độc, thường đi săn bằng cách rình mồi.

Cá thằn lằn biển sâu phát triển tới độ dài khoảng 60cm. Ngoài phần miệng đầy răng nhọn đặc trưng, chúng có đôi mắt lớn màu xanh đen lồi ra từ đầu. Loài cá này thường sống ở độ sâu 1.500 - 2.400m dưới mặt nước nên con người hiếm khi bắt gặp. Chúng phân bố ở cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Cá thằn lằn biển sâu là loài sống đơn độc, thường đi săn bằng cách rình mồi. Khi con mồi bơi ngang qua, chúng lao ra đớp nhanh. Vô số răng nhọn quanh hàm răng của cá thằn lằn giúp đẩy con mồi vào sâu bên trong miệng hơn.

Nguồn thức ăn dưới đáy đại dương dành cho cá thằn lằn rất khó kiếm và việc ghép đôi còn khó thực hiện hơn. Để tối đa hóa khả năng sinh sản, cá thằn lằn tiến hóa thành lưỡng tính, sở hữu cả cơ quan sinh dục đực và cái, cho phép chúng ghép đôi với bất kỳ thành viên nào trong loài bơi ngang qua.

Nhóm nghiên cứu quốc tế sẽ tiếp tục khám phá vực sâu phía đông Australia đến giữa tháng 6. Họ lên kế hoạch sử dụng kết quả khảo sát đáy đại dương để lập bản đồ và hiểu rõ hơn hệ đa dạng sinh học ở khu vực.

Cập nhật: 09/06/2017 Theo VnExpress
  • 1.840