Bế mạc Hội nghị thượng đỉnh về CNTT

  •  
  • 77

Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về mở rộng cơ hội tiếp cận mạng Internet toàn cầu tổ chức ở Tunisia vừa kết thúc. Tại hội nghị, các đại biểu đã tranh luận về vấn đề kiểm duyệt và quản lý điều hành mạng Internet.

Hội nghị thượng đỉnh thế giới về Xã hội thông tin cũng thảo luận về cách thức nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ giữa các nước giàu và nghèo nhưng lại ít bàn về vấn đề tài trợ cho các nước nghèo.

Tại Hội nghị đã diễn ra các cuộc tranh luận về vấn đề giám sát việc quản trị mạng Internet. Hội nghị này cũng được đánh dấu bởi những bất đồng về tự do ngôn luận. Đại diện hơn 170 nước với khoảng 17.000 người đã dự hội nghị lớn chưa từng có này do Liên hợp quốc tổ chức ở Tunisia, với tên gọi “Hội nghị của các giải pháp”.

Hội nghị kết thúc với Tuyên bố “Cam kết Tunis” và “Chương trình nghị sự Tunis cho Xã hội thông tin”.

Các văn kiện này chủ yếu khẳng định lại những cam kết đã được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh lần trước ở Geneva cách đây hai năm nhằm tăng cường nỗ lực giúp các nước nghèo sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông. Nhưng trong khi các nước đều thừa nhận rằng nguồn tài trợ hiện không đủ, hội nghị lần này vẫn không bàn bạc nhiều về vấn đề này.

Hội nghị khẳng định, các công nghệ và tri thức sẽ hướng các nước đến những mục tiêu phát triển đã được nhất trí, bao gồm các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Các đại biểu cũng ủng hộ việc tổ chức một hội nghị tương tự trong một vài năm tới nhằm xem xét giải quyết các vấn đề đặt ra .

Tham dự hội nghị thượng đỉnh công nghệ thông tin này có các nhà lãnh đạo thế giới, các tổ chức nhân quyền, các tổ chức phi chính phủ, các đại diện từ những công ty công nghệ hàng đầu thế giới, các nhà báo và những người sử dụng internet.

Nhưng tại hội nghị, đáng chú ý nhất là sự căng thẳng trong các hoạt động của các tổ chức xã hội, với những lời kêu gọi có hành động nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân của xã hội thông tin toàn cầu trong vấn đề tự do ngôn luận.

Trong một tuyên bố, đại biểu Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng rằng chính phủ Tunisia đã không tranh thủ cơ hội quan trọng này để thể hiện cam kết đối với quyền tự do ngôn luận và hội họp ở Tunisia.

Về phần mình, Phó thủ tướng Trung Quốc Huang Ju nói với các đại biểu rằng một số hạn chế đối với mạng Internet là cần thiết nhằm bảo vệ nhà nước, mặc dù Trung Quốc muốn “đảm bảo tự do ngôn luận”. Ông nói: Đối với internet, chúng ta cần các biện pháp hiệu quả để chống lại các hành động tội ác sử dụng công nghệ này cũng như tội phạm lừa đảo kinh tế, bạo lực, khủng bố và những gì có hại cho an ninh quốc gia.

Ông Yoshio Utsumi, tổng thư ký của Liên hiệp Viễn thông quốc tế, tổ chức giám sát hội nghị, nói: “Tự do trên mạng internet là một yêu cầu tiên quyết cho một xã hội thông tin”. Ông nói: “Mục tiêu của chúng ta là chia sẻ các thông tin. Chỉ với sự tự do thông tin, chúng ta mới có thể tạo nên một xã hội thông tin”.

Ông nói, mọi người phải có khả năng tạo ra và chia sẻ thông tin. Chỉ với những hoạt động này, chúng ta mới có thể mong hướng tới một xã hội thông tin vì con người. Về an ninh mạng, ông nói có rất nhiều diễn đàn bàn về việc giải quyết vấn đề này, vấn đề mà ITU đóng vai trò trong đó, nhưng không có tiêu chuẩn quốc tế cụ thế nào.

Hầu hết trong quá trình diễn ra hội nghị đã có các cuộc tranh luận trong việc lựa chọn Tunisia làm nước chủ nhà. Một giải pháp mang tính nhượng bộ về việc quản lý mạng trong tương lai đã đươc thông qua trong một cuộc họp vào phút chót.

Theo đó, tổ chức ICANN của Mỹ sẽ tiếp tục quản lý kỹ thuật mạng Internet, nhưng một diễn đàn quản lý mạng mới sẽ được thiết lập. Trong nhận xét kết thúc hội nghị, ông Utsumi nói, một trang mới trong việc quản lý mạng đã được mở ra với quyết định thành lập diễn đàn này.

Ông nói mọi người thừa nhận rằng tất cả các chính phủ nên có trách nhiệm ngang nhau trong việc quản lý mạng internet. Nhưng diễn đàn sẽ không có quyền giám sát sự vận hành kỹ thuật của mạng, mà sẽ xử lý các vấn đề mạng. Nhưng, ông Utsumi nhấn mạnh, đó không chỉ là sự bắt đầu của quá trình lâu dài cho mạng internet, mà sẽ rất khác trong vòng năm năm nữa vì sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin.

Các quan chức của Mỹ đã gọi thoả thuận về việc quản lý mạng là một kết cục các bên đều thắng, trong khi chủ tich và giám đốc điều hành của ICANN, ông Paul Twomey, thận trọng nói tranh chấp cơ bản trong việc quản trị mạng vẫn chưa kết thúc.

Các kết quả nổi bật bao gồm kế hoạch cho ra đời một mẫu máy tính xách tay với giá rẻ dưới 100 USD, một công cụ trong chiến dịch bảo đảm mỗi trẻ em có một máy tính xách tay. 

Theo Nhân Dân/vnMedia
  • 77