Bên trong căn hầm đáng sợ dưới lòng đất, nơi diễn ra các thí nghiệm tàn ác

  •   1,52
  • 693

Những tù nhân đã được mang đến căn hầm bí ẩn dưới lòng đất, sau đó trở thành vật thí nghiệm cho các hành động tàn ác.

Từ Thế chiến thứ II, các cơ sở nghiên cứu bí ẩn dưới lòng đất đã luôn khiến người ta khiếp sợ khi nhắc tới. Đây được cho là nơi đã sản sinh ra các thí nghiệm vũ khí sinh học kinh hoàng, với đối tượng là con người. Cho tới nay, chúng vẫn nằm rải rác đâu đó ngoài kia mà chưa hề được tìm thấy.

 Đơn vị 731 đã tiến hành các thí nghiệm tàn bạo trên con người từ năm 1935 - 1945.
Đơn vị 731 đã tiến hành các thí nghiệm tàn bạo trên con người từ năm 1935 - 1945. (Ảnh minh họa: NDTV).

Theo SCMP, các nhà khảo cổ vừa tìm thấy một cơ sở nghiên cứu tương tự ở gần thành phố Anda thuộc tỉnh Hắc Long Giang, phía đông bắc Trung Quốc. Được biết, cơ sở này từng là địa điểm thử nghiệm lớn nhất và thường xuyên nhất của Đơn vị 731 khét tiếng, thuộc sự chỉ huy của Quân đội Đế quốc Nhật.

Dấu tích tội ác chiến tranh

Bãi thử Anda
Góc nhìn từ trên cao xuống bãi thử Anda, nơi tìm thấy một cơ sở nghiên cứu vũ khí sinh học dưới lòng đất được quân đội Nhật Bản sử dụng trong Thế chiến thứ II. (Ảnh: Viện Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Hắc Long Giang).

Theo ghi chép lịch sử, trong những năm từ 1935 - 1945, Đơn vị 731 đã thực hiện một số thí nghiệm tàn bạo trên con người, bao gồm việc lây nhiễm bệnh chết người cho tù nhân, hay thử nghiệm các vũ khí sinh học thế hệ mới.

Các tài liệu giải mật sau đó tiết lộ rằng thí nghiệm đã được chia sẻ với chính quyền Mỹ để đổi lấy quyền miễn trừ tội ác chiến tranh, trước khi chuyển đến trung tâm nghiên cứu của Quân đội Mỹ tại Fort Detrick, và được sử dụng để phát triển vũ khí sinh học trong Chiến tranh Lạnh.

Toàn bộ cơ sở nghiên cứu được xây vào năm 1941, và được giám sát bởi Cục chiến tranh vi khuẩn. Nó cũng chính là địa điểm thử nghiệm lớn nhất, cũng như có nhiều trang bị tối tân nhất thời bấy giờ, được sử dụng thường xuyên bởi của Đơn vị 731.

"Đó là một cụm boongke cách mặt đất khoảng 1,5 mét, với cấu trúc hình chữ U, dài khoảng 33 mét, rộng 20,6 mét", tài liệu mô tả. "Các hoạt động chính tại đây bao gồm thử nghiệm các thí nghiệm độc ác trên người sống, và giam giữ họ trong các nhà tù đặc biệt".

Theo tài liệu, toàn bộ cơ sở luôn được canh gác nghiêm ngặt, với xung quanh là hàng rào dây thép gai. Các công trình trên mặt đất bao gồm một đường băng, nhà kho, doanh trại, giếng và những bãi thử ném bom.

Bên dưới lòng đất là các phòng thí nghiệm, phòng giam, phòng quan sát và mổ xẻ... được xây dựng kiên cố nhằm bảo vệ chống lại các cuộc không kích. Rất ít người được bước vào khu vực nghiên cứu nhằm giữ bí mật cho dự án.

Lính Nhật ăn mừng sau khi chiếm được thành phố Nam Kinh của Trung Quốc
Lính Nhật ăn mừng sau khi chiếm được thành phố Nam Kinh của Trung Quốc vào tháng 12/1937. (Ảnh: Reuters).

Cấu trúc của cơ sở dưới lòng đất bao gồm một phòng chính dài 5 mét, rộng 3,8 mét nằm ở hướng đông bắc, và một phòng hình tròn có đường kính 3 mét ở hướng đông nam.

Các nhà khảo cổ tin rằng đây chính là những phòng thí nghiệm nơi tội ác đã diễn ra. Theo đó, những đối tượng là con người đã được mang đến để bị quan sát, sau đó mổ xẻ khi họ nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với tác nhân hóa học.

Thí nghiệm kinh hoàng thực hiện trên tù nhân

Sakaki Hayao, cựu chỉ huy của Đơn vị 731, đã mô tả một trong những thí nghiệm "cực kỳ tàn ác" được tiến hành chỉ vài tháng trước khi quân Nhật đầu hàng trong lời khai của ông trước tòa năm 1956.

Hayao cho biết ông đã nhìn thấy những tù nhân bị trói vào cột gỗ, trước khi tiếp xúc với những quả bom chứa đầy vi khuẩn bệnh than được thả xuống từ máy bay, hoặc cho phát nổ ở cự ly gần. "Tôi ý thức được rằng đó là một hành động vô cùng tàn nhẫn", Hayao thú nhận.

Một tiết lộ kinh hoàng khác cho biết những đối tượng của thí nghiệm không chỉ bao gồm tù nhân chiến tranh, mà còn cả dân thường, với sự tham gia của đàn ông, phụ nữ, trẻ em, và thậm chí trẻ sơ sinh.

 Đơn vị 731 của Đế quốc Nhật tiến hành thí nghiệm lên nạn nhân ở tỉnh Hắc Long Giang
Một hình ảnh được công bố vào năm 2002 cho thấy Đơn vị 731 của Đế quốc Nhật tiến hành thí nghiệm tê cóng lên nạn nhân ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc trong Thế chiến II. (Ảnh: Reuters).

Các thí nghiệm được ghi chép lại trong tài liệu bao gồm hành động mổ xẻ các đối tượng sống, thử nghiệm tê cóng nạn nhân, khiến nạn nhân mắc phải những căn bệnh chết người như bệnh giang mai, bệnh than, dịch hạch, dịch tả, sốt thương hàn...

Di sản từ những thí nghiệm này sau đó được sử dụng một phần để phát triển chiến tranh sinh học tại Fort Detrick ở Maryland, Mỹ. Toàn bộ sự việc sau khi được hé lộ đã gây ra sự phẫn nộ trong công chúng.

Được biết, địa điểm đã bị Đơn vị 731 phá hủy vào tháng 8/1945 cùng với nhiều cơ sở khác để xóa đi bằng chứng về những tội ác mà họ đã thực hiện. "Hầu hết các công trình trên mặt đất đã bị phá hủy, ngoại trừ đường băng", các nhà khảo cổ viết trong báo cáo.

Họ cũng cho rằng vẫn còn nhiều điều phải làm trước khi kết luận đầy đủ mức độ và tính nghiêm trọng của những thí nghiệm từng được thực hiện tại cơ sở.

Theo một báo cáo được công bố trên tạp chí khảo cổ học hàng đầu của Trung Quốc, việc phát hiện ra phòng thí nghiệm dưới lòng đất có thể là bằng chứng nối dài thêm danh sách về tội ác chiến tranh của Đơn vị 731 khét tiếng.

Cập nhật: 01/06/2023 Dân Trí
  • 1,52
  • 693