"Bệnh lạ" tái xuất ở Cuba, Canada cắt một nửa nhân viên ngoại giao

  •  
  • 575

Canada tuyên bố giảm một nửa nhân viên tại đại sứ quán ở Cuba sau khi thêm một nhà ngoại giao nữa mắc căn bệnh bí ẩn mà nhiều nhân viên ngoại giao mắc phải ở Cuba.

Canada xác nhận có 14 trường hợp mắc bệnh lạ kể từ đầu năm 2017. 26 nhân viên đại sứ quán Mỹ ở Cuba cũng mắc bệnh tương tự, với các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn. Mỹ đã giảm một nửa nhân viên sứ quán ở Cuba từ trên 50 người xuống còn tối đa 18, sau khi hơn 20 nhân viên phát bệnh.

Theo tờ The Guardian, Cơ quan các vấn đề toàn cầu Canada ra tuyên bố hôm 30/1 xác nhận đã có 14 người mắc căn bệnh lạ ở Cuba. Hồi tháng 11 năm ngoái, Canada cho biết đang xem xét mọi lựa chọn liên quan đến đại sứ quán ở Cuba sau khi ca mắc bệnh thứ 13 được xác nhận.

Đại sứ quán Canada tại Cuba.
Đại sứ quán Canada tại Cuba. (Ảnh: AP).

Canada đang dự kiến giảm nhân viên tại đại sứ quán ở Havana từ 16 xuống còn 8 người. Hồi tháng 4 năm ngoái, Canada đã cho gia đình các nhân viên ngoại giao ở Cuba trở về nước. 14 người Canada mắc bệnh bao gồm các nhà ngoại giao và một số thành viên gia đình họ.

Canada sẽ vẫn duy trì đại sứ ở Havana và các quan chức lãnh sự. Tuy nhiên, các chương trình khác có thể được điều chỉnh trong những tuần tới và nhân viên ngoại giao từ bên ngoài Cuba có thể hỗ trợ.

Cuba là điểm đến yêu thích của người Canada và chính phủ Canada cho biết không có bằng chứng về bất kỳ căn bệnh liên quan nào đến du khách Canada.

Một quan chức cao cấp của chính phủ Canada cho biết, Cuba đã hợp tác ngay từ đầu với Canada để điều tra tìm hiểu nguyên nhân bệnh lạ.

Trước đó, giới chức Mỹ và Cuba cũng tiến hành điều tra nguyên nhân căn bệnh bí ẩn nhưng không có kết luận nào được đưa ra. Sau đó Mỹ đổ lỗi cho các đặc vụ mật thực hiện “tấn công âm thanh”.

Từ cuối năm 2016, Washington nhận được báo cáo về những triệu chứng lạ ảnh hưởng đến thính giác của các nhân viên ngoại giao Mỹ ở Cuba. Kể từ thời điểm tháng 11/2016 đến tháng 8/2017, nhiều nhân viên ngoại giao Mỹ cho biết họ bị mất thính giác, nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn khi nghe thấy các âm thanh có cường độ lớn trong phòng khách sạn hoặc tại nhà.

Tuy nhiên, hồi tháng 1/2019, nhà khoa học Alexander Stubbs, Đại học California, Berkely, công bố kết quả nghiên cứu xác định nguồn gốc của tiếng ồn bí ẩn, bác bỏ giả thuyết rằng “Hội chứng Havana” là tác phẩm của âm mưu thời Chiến tranh Lạnh.

Trình bày nghiên cứu của mình trước hội nghị thường niên của Hiệp hội Sinh học Tích hợp và So sánh, ông Stubbs cho biết tiếng ồn mà các nhà ngoại giao Mỹ nghe thấy ở Cuba là tiếng kêu của một loại côn trùng: Dế đuôi ngắn Ấn Độ.

Cập nhật: 01/02/2019 Theo Lao Động
  • 575