“Bệnh mùa hè” gia tăng

  •  
  • 137

Vào đầu mùa hè này, lượng bệnh nhi tại các bệnh viện (BV) lại tăng lên. Sớm nắng chiều mưa là một trong những nguyên nhân chính khiến “bệnh mùa hè” gia tăng.

Không cho trẻ tắm nhiều

Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân bị viên não Nhật bản
Bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân bị viên não Nhật bản (Ảnh: vnagency)
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1, cho biết: trẻ dễ mắc bệnh trong mùa hè do thời tiết và cách sinh hoạt. BS Khanh khuyên các phụ huynh: trẻ nóng quá không nên cho tắm nhiều lần trong ngày. Khi trẻ tắm xong tốt nhất đừng ra gió ngay. Không nên từ nắng vào nhà bật máy lạnh ngay hoặc ngược lại.

Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh. Nếu đã bị bệnh phải nghỉ ngơi, uống nhiều nước, không tiếp tục sinh hoạt quá mức. Khi thấy trẻ khó thở, có triệu chứng lừ đừ co giật, hôn mê phải đưa đi bệnh viện. Các bậc phụ huynh nhớ dọn dẹp, hạn chế môi trường sinh sản của muỗi.

Ngoài ra, để phòng bệnh tiêu chảy, BS Phạm Thị Ngọc Tuyết - trưởng khoa tiêu hóa - khuyên nên cho trẻ ăn uống những thức ăn nấu chín, kỹ, hợp vệ sinh. Trong những năm gần đây tại miền Nam gặp những trường hợp trẻ bị viêm não do entero virus. Virus này lại lây qua đường ăn uống. Hơn nữa, tiêu chảy và sốt có khi là biểu hiện đầu tiên của những bệnh nguy hiểm khác.

Chú ý bệnh viêm não

Tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM, những ngày trước đây có 3.000- 3.100 bệnh nhi đến khám/ngày, nhưng trong những ngày đầu tháng sáu có ngày số bệnh nhi đến khám là gần 4.000. Còn tại BV Nhi Đồng 1, tuần qua có ngày BV tiếp nhận trên 4.800 bệnh nhi, tăng khoảng 300 so với đầu tuần trước đó. Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng - giám đốc BV Nhi Đồng 1 - nhiều nhất vẫn là trẻ bị viêm nhiễm đường hô hấp, kế đến là bệnh đường tiêu hóa, trong đó khoảng 3% trẻ nhập viện.

Theo các bác sĩ, bệnh viêm nhiễm đường hô hấp và tiêu hóa trong mùa này của trẻ là một dạng bệnh nhẹ, đa phần không phải nhập viện. Tuy nhiên, trong mùa cũng rải rác xảy ra những bệnh và những biến chứng nguy hiểm.

Bác sĩ Trần Hữu Nhơn, trưởng khoa nội tổng hợp 1 BV Nhi Đồng 2, lưu ý: “Dù bệnh viêm não Nhật Bản chỉ xuất hiện nhiều ở miền Bắc nhưng trong thời điểm giao mùa, tất cả các bậc phụ huynh phải đề phòng. Đây là bệnh gây tử vong rất nhanh mà thời gian qua vẫn có rải rác những ca tử vong do viêm não Nhật Bản tại TP. Tốt nhất vẫn là đưa trẻ tiêm ngừa viêm não tại các cơ sở y tế”.

Về biến chứng, bác sĩ Khanh cho biết có những trường hợp trẻ bị hội chứng tay chân miệng nhưng phụ huynh không biết, đưa trẻ đến phòng khám không chuyên khoa, bác sĩ không đoán ra bệnh. Cuối cùng, khi đưa trẻ đến BV thì đã bị biến chứng lên viêm não. Thông thường, trẻ bị nhiễm siêu vi sang mùa tự khỏi. Tuy nhiên, một số trường hợp do sức đề kháng kém sẽ biến chứng một số bệnh nặng: viêm não, viêm màng não, viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và đường tiêu hóa. Rubella cũng có thể biến chứng lên não nhưng rất hiếm.

Dù lượng bệnh nhân chưa tăng đột biến nhưng bác sĩ Khanh lưu ý các bậc phụ huynh mùa này sẽ là “tâm điểm” của bệnh sốt xuất huyết. Bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam.              

YẾN TRINH

Theo Tuổi trẻ
  • 137