Bệnh nhân ebola bất ngờ tái phát bệnh sau khi được cho là đã chữa khỏi

  •  
  • 290

Đây không phải trường hợp đầu tiên những bác sỹ trở về từ vùng dịch Ebola được kiểm tra là không nhiễm virus này lại xuất hiện triệu chứng bệnh.

Bệnh nhân nhiêm Ebola phát bệnh trở lại

Một nữ y tá người Scotland nhiễm virus Ebola đã được điều trị khỏi bệnh hồi tháng 1/2015 đã bị rơi vào tình trạng nguy kịch do xuất hiện biến chứng.

Nữ y tá Pauline Cafferkey đã tình nguyện đến quốc gia Tây Phi Sierra Leone năm ngoái để điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm virus Ebola. Sáng sớm 9/10, Cafferkey đã được đưa đến bệnh viện Royal Free ở London bằng máy bay quân sự. Bệnh viện Royal Free là nơi tiếp nhận những trường hợp phải cách ly do bị bệnh gây chết người. Trước đó, y tá Cafferkey đã nhập viện tại Glasgow ở Scotland ngày 6/9 sau khi cảm thấy không khỏe.

Trong một thông báo, bệnh viện Royal Free cho biết Cafferkey là một trường hợp biến chứng muộn hiếm gặp đối với virus Ebola mà nữ y tá này đã bị nhiễm trước đó. Hiện bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch và được cách ly theo dõi. Theo bệnh viện Royal Free, virus Ebola chỉ có thể lây nhiễm khi tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc chất dịch của cơ thể người bị bệnh. Giới chức y tế Scotland hiện đã liên lạc với một số ít những người đã tiếp xúc gần gũi với Cafferkey để phòng ngừa nguy cơ lây bệnh.

Bệnh nhân ebola bất ngờ tái phát bệnh sau khi được cho là đã chữa khỏi
Nữ y tá Pauline Cafferkey.

Cafferkey được chẩn đoán nhiễm virus Ebola vào tháng 12/2014 sau khi trở về Glasgow từ Sierra Leone. Cafferkey bị cách ly gần 1 tháng ở bệnh viện Royal Free, và được chữa trị theo phác đồ kết hợp giữa một loại thuốc chống virus vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và máu của một người đã được chữa khỏi Ebola.

Ngày 7/10 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định không có trường hợp nhiễm mới virus Ebola nào tại Tây Phi trong tuần tính đến ngày 4/10, đánh dấu tuần lễ đầu tiên không xuất hiện thêm ca nhiễm mới căn bệnh chết người này kể từ tháng 3/2014. Theo WHO, đợt bùng phát dịch Ebola từ tháng 12/2013 đến nay là đợt bùng phát tồi tệ nhất, với 11.312 người chết và 28.457 người nhiễm bệnh, kể từ khi giới chức y tế lần đầu tiên xác định được chủng virus này tại khu vực Trung Phi vào năm 1976. Hầu hết các trường hợp nhiễm Ebola ở các nước Guinea, Liberia và Sierra Leone.

Đây không phải trường hợp đầu tiên những bác sỹ trở về từ vùng dịch Ebola được kiểm tra là không nhiễm virus này lại xuất hiện triệu chứng bệnh, trước đó bác sỹ Ian Crozier tại Atlanta (Hoa Kỳ) cũng từng được chẩn đoán là khỏe mạnh. Nhưng chỉ 2 tháng sau đó, Crozier bắt đầu gặp vấn đề với thị lực của mình và vị bác sỹ này đã sửng sốt khi thấy dấu hiệu của virus có trong nước mắt của mình. Mặc dù vậy, sau khi kiểm tra thì Crozier vẫn được đánh giá là âm tính với virus Ebola, nghĩa là không thể trở thành một nguồn phát tán Eobla mới.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 290