Bệnh tay, chân, miệng: Cảnh báo biến chứng thần kinh

  •  
  • 3.845

Từ đầu năm đến nay, BV Nhi Đồng I nhận hơn 500 trẻ dưới 3 tuổi mắc bệnh tay, chân, miệng. Những ca biến chứng nặng tập trung vào trẻ dưới 2 tuổi.

Bóng nước xuất hiện ở bàn chân của một trẻ đang điều trị bệnh tay, chân, miệng ở BV Nhi Đồng 1.
Bóng nước xuất hiện ở bàn chân của một trẻ đang điều trị bệnh tay, chân, miệng ở BV Nhi Đồng 1.
Ngày 6/4, BS. Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm- Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, cho biết trẻ mắc bệnh tay, chân, miệng có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng thần kinh nhẹ khó nhận thấy: khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ.

Trẻ có thể biểu hiện hoảng hốt nói lảm nhảm, chới với, run chi, co giật. Triệu chứng khác có thể thấy khi có biến chứng như sốt rất cao, nôn ói nhiều, da nổi bông, mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng.

8 ngày theo dõi bệnh chân, tay, miệng

Tính từ đầu năm đến nay, khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 nhận hơn 500 trẻ dưới 3 tuổi mắc bệnh tay, chân, miệng. Những ca biến chứng nặng xảy ra chủ yếu ở trẻ dưới 2 tuổi.

Trước đây bệnh chủ yếu là do tác nhân coxsakie rất lành tính. Nhưng gần đây những biến chứng dẫn đến viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não từ bệnh tay, chân, miệng là do một tác nhân mới khác rất nguy hiểm, enterovirus 7.

BS Khanh còn cho biết thêm việc xuất hiện các bóng nước là giai đoạn đầu của bệnh tay, chân, miệng và không có gì đặc biệt do tỷ lệ biến chứng dưới 1%.

Tuy nhiên, khi trẻ có biến chứng nếu không điều trị đúng và kịp thời trẻ có thể tử vong trong vài giờ.

Theo tổng kết nhiều năm của BV Nhi Đồng 1, bệnh tay, chân, miệng xảy ra theo 2 mùa trong năm, từ tháng 2 đến tháng 4 và sau đó từ tháng 9 đến tháng 12.

Biểu hiện của bệnh tay chân miệng cũng rất dễ nhận biết nếu được chú ý đó là các bóng nước. Bóng nước có kích thước từ 2 – 10 mm, màu xám, hình ô van, bóng nước xuất hiện ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau.

Bóng nước còn xuất hiện trong miệng và khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng. Khi nổi bóng nước trẻ có thể sốt nhẹ, quấy do đau miệng, bỏ ăn. Bóng nước sẽ tự xẹp đi sau tự khỏi sau 5 đến 7 ngày. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp.
Để phát hiện sớm biến chứng này điều quan trọng là khi thấy trẻ có bệnh tay chân miệng (triệu chứng bóng nước ở tay, chân, miệng), các bậc cha mẹ cố gắng theo dõi sát trẻ ít nhất 8 ngày để phát hiện ngay các dấu hiệu nghi ngờ biến chứng và mang trẻ đến bệnh viện.

Mặt khác nếu thấy có những triệu chứng thần kinh nhẹ bất thường kể trên và những bóng nước xuất hiện ở lòng tay, lòng bàn chân, gối, mông của trẻ, thì nhanh chóng mang trẻ đến bệnh viện.

Đối với trường hợp không có biến chứng thì có thể điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau, cho trẻ ăn thức ăn lỏng dễ tiêu. Các bậc cha mẹ cố gắng cho trẻ ăn thành nhiều bữa.

Nguồn lây nhiễm: Từ tay người lớn

Hiện nay tác nhân enterovirus 71 chưa có thuốc chủng ngừa nên cách phòng ngừa hiện nay là bảo đảm vệ sinh trong ăn uống.

Bệnh này thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và rất dễ lây, thường lây nhanh qua đường tiêu hoá và trẻ sống cùng nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ. Nên cho trẻ nghỉ học hay tránh tiếp xúc với trẻ bệnh khi ở chung nhà vì bệnh rất dễ lây từ trẻ này sang trẻ khác khi tiếp xúc.

Theo BS. Khanh, để hạn chế lây nhiễm bệnh này trong thời điểm hiện nay, điều quan trọng nhất là người lớn nên chú ý rửa tay thật sạch.

"Khi cho trẻ ăn, chơi đồ chơi, thay tã, dọn phân hay nước tiểu, chăm sóc... mà không rửa tay, bàn tay của người lớn dễ trở nên nguồn lây bệnh khi người lớn nắm vào người đứa trẻ khác...", BS Khanh cảnh báo.

Hương Cát

Theo VietNamNet
  • 3.845