Bí ẩn đá Gabriel

  •   32
  • 8.536

Một phiến đá vôi cổ đại chứa chi chít những văn tự Do Thái cổ đã được trưng bày tại Jerusalem, trong khi giới học giả tiếp tục tranh luận về nội dung của nó.

Được gọi là "đá Gabriel", theo tên tổng lãnh thiên thần của Thiên Chúa giáo, chiếc bàn đá cao 1m đã được tìm thấy cách đây 13 năm tại Biển Chết, trên mặt có 87 dòng ký tự bí ẩn. Nhiều khả năng phiến đá này có niên đại vào thế kỷ đầu trước Công nguyên, vào thời Đền thờ Do Thái thứ hai. Giới học giả cho rằng nếu giải mã được chúng, họ sẽ mở ra cánh cổng khám phá những ý tưởng tôn giáo vốn thịnh hành trên đất thánh vào thời Chúa Jesus ra đời.

Đá Grabiel đặc biệt ở chỗ, những dòng chữ được in bằng mực chứ không khắc lên đá. Và chưa có văn bản tôn giáo nào từng được phát hiện trong khu vực. Những chuyên gia của Viện Bảo tàng Israel, nơi tổ chức trưng bày phiến đá trên, cho hay đây là tài liệu quan trọng nhất từng được tìm thấy trong khu vực, kể từ phát hiện chấn động về các cuộn giấy Biển Chết. “Đá Gabriel cũng giống như một cuộn giấy Biển Chết được viết thẳng lên đá”, theo Giám đốc Viện Bảo tàng Israel James Snyder. Hai tài liệu này được viết vào cùng một thời điểm, và sử dụng chung nghệ thuật chữ viết đâu ra đấy của người Do Thái cổ.

Phiến đá chỉ còn sót lại một vài dòng chữ lờ mờ
Phiến đá chỉ còn sót lại một vài dòng chữ lờ mờ - (Ảnh: Telegraph.co.uk)

Đá Gabriel đã tạo ra một cơn địa chấn thực sự trong ngành khảo cổ học vào năm 2008, khi học giả về Kinh Thánh người Israel là Knohl đưa ra giả thuyết táo bạo rằng những chữ viết tay trên phiến đá có thể gây một cuộc cách mạng về những người Thiên Chúa giáo thời đầu. Ông này còn bạo gan tuyên bố những dòng chữ chưa rõ nghĩa trên bao gồm khái niệm về sự phục sinh của một đấng cứu thế trước thời Chúa Jesus. Knohl đã rút ra kết luận trên dựa vào một đoạn ngắn ngủi trên phiến đá mà các chuyên gia may mắn dịch được, có nghĩa là “trong 3 hôm ngài sẽ sống”. Nếu thực sự như vậy, câu chuyện Phục sinh sau khi bị hành hình trên thập tự giá không còn là “độc quyền” của Thiên Chúa giáo nữa.

Khỏi phải nói sự diễn dịch trên đã tạo nên cơn bão lớn như thế nào trong thế giới những nhà nghiên cứu về Kinh Thánh, khiến các học giả thế giới phải tổ chức hội nghị toàn cầu sau đó 1 năm để tranh luận về nội dung của tài liệu cổ, thu hút sự chú ý của một đội chuyên làm phim tài liệu của đài National Geographic. Một nhóm các chuyên gia người Mỹ cũng vào cuộc. Họ dùng mọi phương pháp hiện đại nhất hòng giải mã thêm nội dung của bản viết tay đã nhạt nhòa trên đá, nhưng cuối cùng vẫn không thành công. Tiến sĩ Knohl sau đó cũng đã rút lại giả thuyết chấn động ban đầu, nhưng cuộc tranh cãi mà ông châm ngòi không phải vì thế mà nguội dần.

Giới học giả vẫn tiếp tục tranh luận nảy lửa về nội dung thực sự của các văn tự trên phiến đá, trong khi đó đá Gabriel bắt đầu cuộc chu du cùng với các di vật khác tới Rome, Houston và Dallas. Đến nay, công trình nghiên cứu phiến đá nổi tiếng vẫn chưa có gì khởi sắc, một phần do các văn tự bị nhạt mất ở những dòng chủ chốt, và trên mặt phiến đá xuất hiện 2 đường nứt chéo nhau, phân nó thành 3 mảnh. Chỉ có khoảng 40% trong số 87 dòng là có thể đọc được, và các chuyên gia đã diễn dịch được 5 đoạn. Tuy nhiên, ai nấy đều đồng ý rằng nội dung của đoạn được trưng bày ở Viện Bảo tàng Israel nói về viễn cảnh tận thế khi Jerusalem bị tấn công, và đức chúa trời đã xuất hiện cùng các tổng lãnh thiên thần trên các cỗ xe để cứu thành phố. Nhân vật chủ chốt trong các tổng lãnh thiên thần là Gabriel. Do vậy, phiến đá này đã được đặt tên là đá Gabriel.

Dù vậy, chưa chắc những lời giải trên là chính xác. Kể từ khi được khai quật vào năm 2000, phiến đá trên luôn cự tuyệt mọi nỗ lực khám phá của giới chuyên gia, và đã được giới truyền thông gọi là “câu chuyện đời thực của Mật mã Da Vinci”.

Theo Thanh Niên
  • 32
  • 8.536