Bí ẩn thân phận thật sự của "người sư tử"

“Người sư tử” là ai?
  •  
  • 2.957

Vào năm 1939, nhà địa chất học Otto Volzing người Đức cầm cuốc chim và ngọn đèn mờ tiến sâu vào hang Stadel ở núi Hohlenstein thuộc thung lũng Schwbische Alb (tây nam Đức).

Otto Volzing tìm được những viên đá lửa và những tàn tích thức ăn của người tiền sử và anh chộp được một bức tượng nhỏ.

Lúc ấy, Thế chiến 2 nổ ra, Volzing bị kêu vào lính phát xít. Anh  cất vội bức tượng vào một cái hộp và kết thúc cuộc tìm kiếm.

Bức tượng chìm vào quên lãng trong suốt 30 năm sau đó. Nhưng rồi chúng được ráp lại, trở thành một trong những tác phẩm điêu khắc ấn tượng nhất về kỷ băng hà.

Được gọi là “Người sư tử”, tượng được tác giả dùng dao đá tạc vào ngà voi mammoth. Tượng cao 29,6 cm, rộng 5,6 cm và dày 5,6 cm.

Bức tượng “Người sư tử” được ráp nối.
Bức tượng “Người sư tử” được ráp nối.

Tác giả đã dùng nước miếng và da thú để đánh bóng. Công trình này mất khoảng 320 giờ lao động.

Các bản sao của bức tượng nổi tiếng này hiện được trưng bày ở New York và Tokyo, nhưng bức  tượng gốc đã bị hư hỏng nặng và không ai biết chính xác nó như thế nào.

Nhiều mảnh vỡ đã bị Volzing bỏ sót trong hang. Các nhà khoa học đã nỗ lực ráp lại nguyên trạng vào năm 1988, gồm 220 chi tiết nhưng còn thiếu khoảng 30% cơ thể. Có nhiều mảng bên ngoài đã bị vỡ.

Người sư tử là ai, nam hay nữ?

Điều kiện “thê thảm” của bức tượng chỉ càng làm tăng thêm tính huyền bí. Nó mô tả một tạo vật hư cấu, hay là một “phù thủy” núp dưới bộ da một con thú?

Liệu 6 vạch trên cánh tay trên là dấu vết rạch da nông hay là gì khác? Và điều gì xảy ra với cánh tay phải bị mất?

Nhà khảo cổ - chuyên gia kỷ băng hà  Joachim Hahn nói rằng một đoạn nhỏ trên phần bụng dưới của tượng là “dương vật ở tư thế treo”, và từ rất lâu, sư tử được xem là biểu tượng tính cách can đảm và mạnh mẽ của đàn ông. Các “phù thủy” hiện ở rừng già Amazon và Úc đều là đàn ông.

Nhưng tượng có nhiều nét thể hiện phức tạp: rốn là biểu tượng của sự sinh con được khoét sâu, một nếp nhăn chạy ngang ở bụng dưới như để chỉ người đã chửa đẻ.

Theo chuyên gia Elisabeth Schmid, một hình tam giác như là bộ phận nhạy cảm của phụ nữ. Bà tin tượng từng có ngực nhưng bị gãy, và sự thay đổi từ đùi đến mông là dấu chỉ một cơ thể nữ.

Bà Schmid đã dùng đất sét để nặn một bản sao mô tả “Người sư tử” mông to. Nhiều học giả phản ứng với bản sao này nhưng có ít nhất một chứng cứ ủng hộ giả thiết của bà Schmid: hình ảnh một thân người xưa 14.000 năm đội đầu một con thú được tìm thấy trong hang Las Caldas, Tây Ban Nha. Cái đầu thì giống đầu của con dê rừng núi Alps, nhưng thân dưới có vẽ bộ phận sinh dục nữ. Liệu đó có nghĩa kỷ băng hà có nữ “phù thủy”?

Từ đó nảy sinh cuộc  tranh cãi về giới tính của bức tượng nhỏ vào những năm 1980 và “nối dài” cho đến ngày nay. Chủ nhân của bức tượng quý giá này,  Kurt Wehrberger của Bảo tàng Ulm nói rằng bức tượng đã “hóa thân” thành “biểu tượng của phong trào nữ quyền”.

Những người tin “Người sư tử” thật ra là một phụ nữ do được thuyết phục rằng các xã hội nguyên thủy theo chế độ mẫu hệ. Họ nói phụ nữ thời ấy thay vì làm việc bếp núc, chăm sóc con cái lại đi săn voi mammoth và giữ vai trò chính trong các nghi lễ và  truyền đạo.

Nhưng liệu có đúng như thế?

Phát hiện mới

Cuộc tranh cãi cho đến nay vẫn chưa kết thúc, nhưng có thể sẽ sớm có những thay đổi, do tìm được các mảnh vỡ mới của “Người sư tử”.

Các phát hiện mới này là nhờ các nhà khảo cổ lại chú ý đến hang Stadel. Nhà khai quật Claus-Joachim Kind cho biết họ đã sàng lọc tất cả các mảnh vụn từ năm 1939 và ông nói: “Chúng tôi tìm thấy 1.000 mảnh được cho là của bức tượng”.

Một số mảnh rất nhỏ chỉ vài milimét vuông nhưng cũng có những mảnh dài bằng một ngón tay.

Hiện bức tượng được đưa về Cục Bảo tồn quốc gia ở Esslingen (gần Stuttgart, Đức).

Ở đó, nó được rã thành từng mảng, các lớp hồ dán cũ sẽ bị bóc gỡ, và được ráp lại từng mảnh tượng.

Nhà khai quật Kind hy vọng sẽ sớm có thể được trông thấy công trình nghệ thuật bí ẩn nhất của bang Baden Wurttemberg ở dạng nguyên gốc.

Điều đã rõ là tượng “Người sư tử” sẽ cao hơn vài centimet do các phần cổ mới được phát hiện. Bên cạnh đó, lỗ hở ở lưng sẽ được lấp và cánh tay phải đã được tìm thấy nguyên vẹn.

Phòng thay đồ?

Khi công trình tái tạo “Người sư tử” hoàn tất, các nhà khoa học hy vọng sẽ hiểu được ý tưởng của tác giả. Tổ tiên của người ấy đã di trú qua châu Âu hồi 35.000 năm trước.

Bức tượng được tìm thấy gần dấu vết của một điểm nổi lửa trong một cái hốc cách cửa hang 27m.

Khi Kind khai quật, ông đã tìm thấy một chiếc răng nai được trang trí, răng sửa của một con cáo Bắc cực và hạt ngà.

Các vật  này có thể là những mảnh trên một chiếc váy được trang trí. Có thể hốc đó là “phòng thay đồ” của phụ nữ.

Theo truyền thuyết, các nữ phù thủy thường mặc các bộ lông thú khi cử hành một lễ nghi quanh chỗ nhóm lửa.

Trong các hang động ở Pháp cũng có hình vẽ những tạo vật nửa người nửa quái thú.

Xem ra bộ trang phục ưa thích của nữ phù thủy là để tránh đại diện nguy hiểm nhất trong hệ động vật kỷ băng hà: sư tử hang nặng hơn 250kg và chỉ cần một cú “vuốt” từ bộ vuốt khổng lồ của nó đã đủ giết chết người.

Một hình người như đang ôm một nhạc cụ cũng được vẽ trong một hang nọ dưới chân dãy núi Pyrenees: người đó mặc bộ lông của con bò rừng nặng 800 kg.

Có lẽ các thợ săn hy vọng tiếp thụ được sức mạnh của con vật, và thậm chí chiếm đoạt “linh hồn” của nó thông qua các điệu múa và hóa trang.

Các nghiên cứu về người nguyên thủy ở Siberia đã gợi ý về các nghi thức ấy: phù thủy đội gạc hươu trên đầu, giống như dân da đỏ “Chân đen” ở Bắc Mỹ, mặc bộ da gấu nhảy theo nhịp trống. “Người sư tử” thì đứng nhún chân, có vẻ như đang  nhảy.

Cập nhật: 18/09/2020 Theo CAND
  • 2.957