Bí mật xác voi ma mút 37.000 năm tuổi

  •  
  • 2.280

Xác của một con voi ma mút con 37.000 năm tuổi được tìm thấy trong tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực đang dần hé mở những bí ẩn mới về các loài thú bị tuyệt chủng vào cuối thời kỳ băng hà cách đây khoảng 10.000 năm. 

Lyuba là xác con voi ma mút hoàn hảo nhất được tìm thấy từ trước tới nay.


Con voi ma mút con được bảo quản hoàn hảo như là nó vừa mới ngủ chứ không phải ngủ suốt 37.000 năm qua do bị mắc kẹt trong tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực. Những túm lông màu nâu vẫn dính vào người con voi cao gần 1 mét. Thậm chí lông mi cũng vẫn còn nguyên vẹn.
Con voi, được đặt tên là Lyuba, là xác voi ma mút hoàn chỉnh nhất được tìm thấy từ trước tới nay.

Lyuba được phát hiện trên bán đảo Yamal ở phía tây bắc Siberia tháng 5/2007. Con voi 1 tháng tuổi bằng xương bằng thịt này đang giúp các nhà khoa học giải mã cuộc sống của các loài thú từng sống ở cuối thời kỳ băng hà.

Những gì còn lại trong dạ dày của Lyuba là bằng chứng giá trị giúp các nhà khoa học hiểu thêm về các loại thức ăn mà voi ma mút con và đồng loạt của nó từng ăn. Các tầng mỡ và khoáng chất trong răng của Lyuba giúp cung cấp thông tin về sức khỏe của nó cũng như bầy đàn.

Các nhà cổ sinh vật học giờ đây tin rằng thông tin mà họ thu thập được từ xác của Lyuba có thể giúp họ hiểu nguyên nhân khiến voi ma mút tuyệt chủng cách đây khoảng 10.000 năm. 

Các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật vi phẫu để nghiên cứu xác con voi.


Người ta tin rằng voi ma mút tuyệt chủng vì chúng không thể thích nghi được với thế giới thay đổi xung quanh khi nhiệt độ trái đất tăng vào giai đoạn cuối của thời kỳ băng hà. Tuy nhiên, một số nhà khoa học tin rằng voi ma mút tuyệt chủng là do bị con người săn bắt. 

Qua nghiên cứu xác voi ma mút, các nhà khoa học nhận thấy rằng Lyuba có sức khỏe tốt và được ăn uống đủ trước khi chết. Điều đó cho thấy bầy đàn của Lyuba đã tìm thấy nhiều thức ăn vào thời điểm đó.

“Voi ma mút là động vật lớn nhất và phổ biến nhất trong số các động vật bị tuyệt chủng vào giai đoạn cuối của thời kỳ băng hà. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chúng tôi có thể làm phép so sánh chi tiết các thông tin liên quan tới răng của voi ma mút với các mô mềm từ phần còn lại của cơ thể”, Dan Fisher, nhà cổ sinh vật học tại đại học Michigan (Mỹ), cho hay.

Hàng chục xác voi ma mút đã được tìm thấy tại Siberia kể từ xác voi ma mút đầu tiên vào năm 1806. Tuy nhiên, không xác con voi nào nào trong số này được bảo quản hoàn hảo như Lyuba.

“Mặc dù Lyuba không phải là một con voi ma mút trưởng thành nhưng chưa một cái xác nào được bảo quản tốt như vậy được tìm thấy, vì thế đó Lyuba là một kho dữ liệu khoa học quý giá”, Dan Fisher nói.

Trong 2 năm qua, các nhà cổ sinh vật học từ Mỹ, Nga, Nhật Bản đã cẩn thận làm các xét nghiệm đối với Lyuba. 

Sử dụng công nghệ quét y học mới nhất, các nhà khoa học đã “giải mã” xác của con voi, đồng thời tìm ra manh mối về cái chết của nó.


Các nhà khoa học đã tìm thấy chất cặn bên trong vòi, miệng và khí quản của con voi con. Họ tin rằng, con voi có thể đã bị chết ngạt sau khi sa lầy trong vũng bùn, nơi xác của nó được bảo quản.
Các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng con voi con đã được bú sữa mẹ trước khi chết. Họ cũng nhận thấy có phân trong dạ dày của Lyuba và điều này có thể giúp lý giải nguồn gốc một thói quen của voi hiện đại.

Những con voi con thường ăn phân của voi trưởng thành để cung cấp các vi khuẩn cần thiết trong dạ dày giúp tiêu hóa cỏ mà chúng sẽ ăn sau này.

Việc phát hiện xác một con voi ma mút được bảo quản hoàn hảo cũng mở ra những hi vọng rằng một ngày nào đó các nhà khoa học có thể sử dụng ADN của voi đông lạnh để nhân bản ra một voi ma mút.

Theo Dân Trí (Telegraph)
  • 2.280