Vũ khí tinh xảo của đội quân đất nung trong mộ Tần Thủy Hoàng

  •   4,76
  • 3.057

Đội quân đất nung trong mộ hoàng đế Tần Thủy Hoàng không chỉ sống động như người thật mà còn trang bị vũ khí có thể đoạt mạng kẻ thù.

Hơn 8.000 tượng chiến binh đất nung có kích thước bằng người thật được phát hiện trong lăng mộ hoàng đế Tần Thủy Hoàng ở Tây An, Trung Quốc, vào năm 1974. Nhưng phải gần ba thập kỷ sau, các nhà nghiên cứu mới phát hiện vũ khí của Đội quân đất nung là đồ thật, không phải phiên bản mô phỏng. Hơn nữa, các vũ khí còn rất tinh xảo với cung tên đủ mạnh để đâm xuyên giáp, theo Ancient Origins.

Đội quân đất nung trong lăng mộ hoàng đế Tần Thủy Hoàng ở Tây An, Trung Quốc.
Đội quân đất nung trong lăng mộ hoàng đế Tần Thủy Hoàng ở Tây An, Trung Quốc. (Ảnh: Wikipedia).

Đội quân đất nung có niên đại khoảng 2.200 năm cùng với quần thể lăng mộ rộng 50km2 được dựng lên để chuẩn bị cho cuộc sống ở thế giới bên kia của Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên thống nhất Trung Quốc.

Các nhà nghiên cứu cho rằng mục đích chế tác đội quân là đảm bảo an toàn vĩnh viễn cho hoàng đế trong hành trình sang thế giới bên kia. Theo một báo cáo trên tạp chí Archaeology International, hơn 40.000 vũ khí bằng đồng được tìm thấy cùng với các chiến binh.


Quá trình chế tác đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng. (Video: Science Channel).

Trong số đó, đầu mũi tên là vũ khí phổ biến nhất mà các nhà khảo cổ thu thập được. Chúng được xếp theo từng bó 100 chiếc đại diện cho số tên trong bao của một cung thủ. Mỗi cung tên gồm đầu bắn hình tam giác giống kim tự tháp, phần chuôi giúp lắp tên vào khung tre hoặc gỗ và một sợi lông chim gắn ở đuôi. Các bộ phận kim loại của cung tên (mũi tên và chuôi) là phần duy nhất còn nguyên vẹn.

Các vũ khí tìm thấy cùng đội quân đất nung.
Các vũ khí tìm thấy cùng đội quân đất nung. (Ảnh: Wikipedia).

Các nhà khoa học ở Đại học London và Bảo tàng Đội quân đất nung tái tạo các đầu mũi tên từ năm 200 trước Công nguyên và bắn thử bằng một chiếc cung tên thời đó. Kết quả cho thấy những mũi tên dễ dàng đâm xuyên qua bộ áo giáp sử dụng ở thế kỷ 2 trước Công nguyên và có thể gây ra vết thương chí mạng.

"Những chiếc cung tên này có trình độ chế tác vượt trước thời đại của chúng hai thiên niên kỷ", Mike Loades, nhà sử học kiêm chuyên gia về vũ khí hiện đại, nhận xét.

Cập nhật: 30/11/2017 Theo VnExpress
  • 4,76
  • 3.057