Bí mật của trí thông minh

  •   4,33
  • 6.967

Khi thi thể của nhà vật lý thiên tài Albert Einstein được mổ ra để phân tích vào năm 1955, bộ não của ông khiến người ta thất vọng, bởi hóa ra nó nhỏ hơn đa số não người bình thường chứ không quá to như công chúng vẫn tưởng.

Trên thực tế, nhiều nghiên cứu sau đó cho thấy kích cỡ của não hầu như không liên quan tới trí thông minh của con người. Có vẻ như chất lượng của não quan trọng hơn kích thước.

Newscientist cho biết, khả năng giao tiếp giữa các tế bào thần kinh là một yếu tố quan trọng. Martijn van den Heuvel, một nhà thần kinh học của Đại học Utrecht tại Hà Lan, phát hiện ra rằng não của những người cực kỳ thông minh có những mạng lưới tế bào thần kinh hiệu quả hơn so với số đông. Nói cách khác, quá trình truyền thông tin từ một tế bào sang tế bào khác trong não người thông minh trải qua ít “thủ tục” hơn so với trong não người bình thường.

Một nhân tố quan trọng nữa là màng chất béo bao bọc các dây thần kinh. Màng chất béo này quyết định tốc độ lan truyền của tín hiệu trong não. Paul Thompson – một chuyên gia của Đại học California tại Mỹ, đã chứng minh rằng chất lượng của màng chất béo bao bọc dây thần kinh càng cao thì chỉ số thông minh của con người càng lớn và ngược lại.

Nhà vật lý thiên tài Albert Einstein vào năm 1921. Ảnh: wikipedia.org.

Chúng ta vẫn chưa biết chính xác vai trò của gene đối với trí thông minh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ số thông minh phụ thuộc vào gene theo tỷ lệ từ 40 tới 80%. Tỷ lệ đó có thể tăng theo thời gian vì - theo một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái - khi con người càng già thì vai trò của gene đối với trí thông minh càng lớn. Nhà khoa học Robert Plomin của Đại học King tại Anh – người đã thực hiện nghiên cứu – theo dõi 11.000 cặp song sinh trong nhiều năm. Ông nhận thấy ở tuổi thứ 9, gene đóng góp 40% vào chỉ số thông minh của người. Nhưng khi chúng ta bước vào tuổi 17, tỷ lệ đó tăng lên tới 2/3.

Điều đó có ý nghĩa gì? Theo Newscientist, có lẽ gene quyết định cách thức phát triển của não khi con người lớn lên. Nói cách khác, gene có thể giúp chúng ta dự đoán liệu một cá nhân nào đó sẽ chủ động tìm kiếm môi trường thuận lợi cho sự phát triển của não hay không.

“Nếu chúng ta được sinh ra để trở thành thiên tài, bản năng sẽ thôi thúc chúng ta tìm kiếm môi trường phù hợp để năng khiếu bẩm sinh của chúng ta có thể phát triển”, Thompson giải thích.

Theo VnExpress
  • 4,33
  • 6.967