Bí quyết nhân giống chim công

  •   1,73
  • 6.286

Mỗi năm trong vườn chim của Hồ Sơn cổ tự (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) có khoảng 30 chú công non ra đời. Với cách ấp nở “mẹ gà con công” do chính vị sư trụ trì của ngôi chùa này nghĩ ra, tỉ lệ nở của công luôn đạt 100%.

Hồ Sơn cổ tự nằm giữa lòng TP Tuy Hòa nhưng lại bao quanh bởi làng mạc, ruộng vườn, rợp xanh bóng cây dường như tách biệt hẳn với cái ồn ào đô thị. Trong khung cảnh thiên nhiên khá độc đáo đó có một vườn chim rộng đến hơn 1 mẫu đất với nhiều loài chim như bồ câu Pan, gà tây, gà ri, gà sao, trĩ đỏ...

Nhưng thu hút sự chú ý của khách nhất là ở đó có hàng chục chú công lớn nhỏ đang “rụt cổ vào, xòe cánh ra” khoe bộ lông đầy màu sắc sặc sỡ và quý phái. Thượng tọa Thích Nguyên Đức, 65 tuổi, trụ trì chùa Hồ Sơn, là người đã lập nên vườn chim đó.

Công nghệ” độc đáo: Mẹ gà con công

Thượng tọa Thích Nguyên Đức đang chăm sóc công

Nuôi công từ năm 1975, nhưng mãi đến đầu năm 1990, thượng tọa Thích Nguyên Đức mới tìm ra được một phương pháp nhân giống công không có trong sách vở: “mẹ gà con công”. Trứng công đẻ ra, ông đưa ngay cho gà mái ấp (chứ không đợi đầy ổ mới cho ấp vì như thế tỉ lệ nở con không đạt cao), trung bình mỗi chú gà ấp 6 trứng công. Sau 30 ngày, công nở, mẹ gà sẽ dắt công con đi ăn như... chăm sóc gà con trong khoảng hơn 2 tháng, sau đó mới có thể sống tự lập được.

Tại sao lại để gà ấp và nuôi công trong những ngày đầu đời? Thầy Thích Nguyên Đức giải thích: “Công mẹ thường ấp không được tốt lắm vì hễ thấy có người đến là chúng hay nhổm dậy đi ra khỏi ổ, dẫn đến tỉ lệ trứng nở không cao. Thêm nữa, công có cách sống rất... quý tộc. Trước khi ăn một vật gì, chúng thường quan sát rất kỹ, ăn cũng chậm rãi, không mổ lia lịa như gà hay một số loài gia cầm khác. Ngược lại, gà mẹ thường kích thích cho con ăn rất tốt bằng cách mổ mồi rồi túc mớm cho con. Công non được gà mẹ nuôi nhờ vậy rất chóng lớn”.

Nhờ “công nghệ” này, thầy Thích Nguyên Đức nhân giống công rất thành công. Ba con công mái trong vườn chùa mỗi năm sinh hơn 30 quả trứng. Sáu chú gà mái sẽ thay phiên nhau ấp và nuôi 30 chú công con. Vị sư trụ trì còn “huấn luyện” cho các mẹ gà “tập quán” đẻ cùng lúc với công để đến giai đoạn ấp có thể làm thay nhiệm vụ ấp trứng và tạo “tập quán” kéo dài thời gian ấp (hơn gần 1 tuần so với ấp trứng gà).

Vị sư già cũng tiết lộ về kỹ thuật nuôi công: Công phải được nuôi trong chuồng rào lưới, diện tích chuồng từ 100 m2 trở lên. Mái chuồng bằng lưới, không được lợp tôn, vào những tháng mưa có thể che bạt nhưng khi có nắng là phải mở ngay để lấy ánh nắng vào. Vì phân công lỏng nên nền chuồng phải phủ lớp cát dày 5-6 tấc, trồng cây xanh để khi tưới nước cây rút phân này xuống.

Thả công về rừng

Kể từ năm 1992 đến nay, thầy Thích Nguyên Đức cho biết ông giữ thói quen hằng năm thả 2 cặp công khoảng 4-5 tháng tuổi, thời điểm chúng đã có thể sống tự lập, trở lại rừng với hy vọng chúng sẽ sinh sôi nảy nở nhiều hơn. “Rừng đèo Cả và rừng thuộc khu vực gần đập Đồng Cam là nơi tôi thường thả công hằng năm. Đó là những vùng rừng có nhiều thức ăn và có nước – một loại “thực phẩm” không thể thiếu được với loài công” – ông cho biết.

Lượng công con sinh sản ngày càng nhiều, nhà chùa không đủ sức nuôi, ngoài việc tặng biếu, thầy Thích Nguyên Đức cũng bán cho nhiều người thích nuôi chim cảnh ở Tuy An, Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân... đến hỏi mua, thậm chí có người đặt hàng với số lượng vài chục con.

Bài và ảnh: Quốc Khương

Theo Người lao động
  • 1,73
  • 6.286