Bộ ảnh đẹp mê li về siêu Mặt Trăng máu cuối cùng của thập kỷ

  •  
  • 871

Người dân tại Châu Mỹ và Châu Âu đã có một đêm đáng nhớ với sự xuất hiện của siêu Mặt Trăng và nguyệt thực toàn phần cuối cùng của thập niên 2010.

Vào đêm 21/01 vừa qua, toàn bộ bán cầu tây đã được quan sát một hiện tượng thiên văn đẹp mắt. Vào buổi tối hôm đó, Mặt Trăng không chỉ đến gần Trái Đất hơn so với khoảng cách trung bình, mà nó còn chuyển thành màu đỏ cam rất quyến rũ trên bầu trời đêm.


Từ một khu rừng nhiệt đới ở Chile, nhiếp ảnh gia Yuri Beletsky đã tóm được trăng máu đang ẩn nấp sau đám lá cây. Ông chia sẻ, mùa hè ở Santiago là mùa mưa, khiến bầu trời cứ đầy những đám mây dày khiến việc quan sát và chụp ảnh trở nên khó khăn, nhưng cuối cùng may mắn cũng mỉm cười giúp ông có được bức ảnh đẹp đến nao lòng như vậy.

Tại sao Mặt Trăng lại có màu đỏ cam như vậy? Đó là bởi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất khi Nguyệt thực toàn phần xảy ra. Lúc bấy giờ, Trái Đất nằm giữa Mặt Trời và Mặt Trăng, hành tinh của chúng ta che đi ánh sáng từ Mặt Trời chiếu đến Mặt Trăng khiến Mặt Trăng không nhận được ánh sáng đầy đủ như mọi khi.

Tuy vậy, ánh sáng Mặt Trời là ánh sáng trắng với nhiều bước sóng ánh sáng hợp thành, trong số đó có ánh sáng màu đỏ cam với bước sóng dài không bị khí quyển Trái Đất hấp thụ mà đi thẳng đến Mặt Trăng, khiến thiên thể này có màu đỏ cam khi quan sát từ Trái Đất.


Tại Saskatchewan, một tỉnh của Canada có chung đường biên giới với Mỹ ở phía nam, nhiếp ảnh gia Alan Dyer đã chụp được Nguyệt thực toàn phần trên nền trời đầy những vì sao sáng. Theo chia sẻ của tác giả, bạn có thể nhìn thấy cụm sao Messier 44 trong chòm sao Cancer (Cự Giải) ở bên trái của ảnh.

Cũng vào đêm này, Mặt Trăng chỉ cách Trái Đất 357.715km so với khoảng cách trung bình giữa chúng là 384.400km, khiến tuần Trăng tròn tháng này được gọi là siêu Mặt Trăng. Khi diễn ra siêu Mặt Trăng, chúng ta sẽ quan sát được Mặt Trăng sáng hơn 30% và lớn hơn 14%.

Dưới đây là bộ ảnh đẹp tuyệt vời về siêu Mặt Trăng máu được chụp từ khắp nơi ở bán cầu tây, từ Hoa Kỳ đến Nam Mỹ, từ Nga đến các quốc gia Châu Âu.


Bức ảnh này ghi lại trọn vẹn quá trình của Mặt Trăng từ khi bước vào vùng bóng tối của Trái Đất đến khi thoát ra khỏi, hay sự chuyển màu dần từ trắng sang đỏ của nó. Tiền cảnh bên dưới là Nhà thờ Cologne ở thành phố Köln, nước Đức, đây là một di sản văn hóa thế giới của UNESCO. (Ảnh: Martin Junius).


Mặt Trăng chuyển màu đỏ rực như máu khi Nguyệt thực toàn phần xảy ra. Ảnh được chụp tại Utah, Mỹ bởi nhiếp ảnh gia Dylan Knight.


Cận cảnh các pha của Nguyệt thực toàn phần. Đây là lần Nguyệt thực toàn phần cuối cùng của năm 2019 và của thập kỷ này, tổng thời gian của nguyệt thực là 5 giờ 12 phút trong khi thời gian pha toàn phần là 1 giờ 2 phút. (Ảnh: Royce Bair).


Thung lũng Chết là một thung lũng hoang mạc nằm trải dài tại bang California của Mỹ. Vì nơi đây khô cằn và ít dạng sống, cũng như nhiều đoàn thám hiểm trong quá khứ đã bỏ mạng do mất phương hướng ở đây, nên nó được gọi với cái tên như vậy. Đêm ở Thung lũng Chết càng trở nên đáng sợ hơn khi vầng trăng máu đang treo cao trên bầu trời. (Ảnh: Harun Mehmedinović).


Các bức tượng ở Quảng trường Cinquantenaire (Bỉ) như đang nâng lấy trăng máu trên vai. Lần Nguyệt thực toàn phần tiếp theo sẽ diễn ra vào 26/05/2021, lần này tại Việt Nam sẽ quan sát được. (Ảnh: Yves Herman/Reuters).


Mặt Trăng đang dần đi vào vùng bóng tối của Trái Đất khiến nó chuyển dần từ màu trắng sẫm sang màu đỏ thẫm trên bầu trời Nhà thờ Tours tại miền trung của nước Pháp. (Ảnh: Guillaume Souvant/AFP/Getty Images).


Mặt Trăng đang mọc lên từ phía sau tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới Một ở New York. Đây chỉ là một phương pháp chụp ảnh khiến Mặt Trăng trở nên to hơn. Trong thực tế, siêu Mặt Trăng không làm Mặt Trăng trở nên quá to lớn đến mức mắt thường có thể nhận ra được. (Ảnh: Marco DeGennaro).

Cập nhật: 24/01/2019 Theo khampha
  • 871