Theo các số liệu khảo cổ học, các bộ lạc ở Nam Phi vẫn giữ nguyên cách sống của mình cách nay 44 nghìn năm.
Các nhà khảo cổ học Nam Phi cùng với những đồng nghiệp Mỹ và châu Âu đã phát hiện trong một hang động châu Phi tên là Border Cave ở Nam Phi những vật dụng tương tự như những vật dụng mà một số người châu Phi hiện đại vẫn đang sử dụng. Các nhà khảo cổ đã mô tả những di vật tìm được trong 2 bài báo, đăng trên số mới nhất của Tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
Các nhà khoa học đang tiến hành khai quật hang động Border Cave.
Trước đây người ta đã biết được rằng cách sống của những người Bushmen thuộc bộ tộc San, sống ở Nam Phi hiện nay kiếm ăn trong Thiên nhiên bằng cách săn bắt và hái lượm không hề thay đổi so với tổ tiên của họ cách đây từ 10 đến 20 nghìn năm.
Thế nhưng khi xác định tuổi của những di vật trong hang động Border Cave bằng các phương pháp hiện đại, đã cho biết tuổi của chúng chính xác là 44 nghìn năm. Điều đó buộc các nhà khảo cổ phải xem xét lại những kết luận trước đây của mình.
Tương tự như những người thuộc bộ tộc San, người cổ đại từng sinh sống trong hang động Border Cave vẫn dùng những tảng đá đã đẽo gọt cho thích hợp rồi đục lỗ, xuyên qua đó một chiếc cành cây làm cán để đào bới rễ cây và các loại củ ăn được. Ngoài ra họ cũng giống như những người Nam Phi hiện đại bôi vào đầu mũi tên chất độc và sơn lên dấu hiệu riêng của người bắn tên (để biết con thú săn được thuộc về ai).
Cũng như người bộ tộc San hiện nay, người cổ đại gọt đẽo vũ khí từ những đoạn xương của những con thú lớn và lấy đất màu vẽ lên để đánh dấu. Ngoài ra cũng giống như người Bushmen hiện đại, họ dùng những hạt mài từ vỏ ốc, vỏ trứng đà điểu làm đồ trang sức (những di vật này được thấy khá nhiều trong các hang động).
Chất độc để bôi lên các mũi tên của những người sống tại Border Cave cũng được chế tạo giống hệt cách làm của những thổ dân bộ tộc San hiện nay bằng cách trộn sáp ong với vỏ cây độc giã ra thành sợi.
Các nhà khảo cổ học nhận định rằng, nền văn hoá của các bộ tộc San xuất hiện trong lịch sử khảo cổ học một cách khá bất ngờ. Nó có thể chứng minh luận điểm cho rằng sự phát triển của nền văn minh nhân loại không theo đường thẳng.