Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn vừa dẫn lời của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, nguy cơ biến chủng của virus cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm từ người sang người và khả năng bùng phát dịch cao trong mùa đông xuân năm nay.
Theo thông báo này, WHO cho biết dịch cúm gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp tại 3 quốc gia Đông Nam Á là Lào, Thái Lan và Indonesia.
Giết mổ gia cầm nhỏ lẻ là một trong những nguy cơ xảy ra dịch cúm.
(Ảnh: Bảo Trân)
Đến nay, đã có 10 quốc gia có người nhiễm và tử vong do cúm gia cầm H5N1, kể từ đầu 2006 tới nay, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong số 10 quốc gia này chưa có người mắc mới H5N1.
Để ngăn chặn sự lây lan chéo nhau giữa các chủng cúm, Viện kiểm định quốc gia vắc-xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) vừa cấp giấy phép cho lưu hành vắc-xin cúm bất hoạt ngăn ngừa cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B có tên Fluarix do Công ty GlaxoSmithKline sản xuất. Fluarix được sử dụng phòng cúm cho người lớn và trẻ em trên 6 tháng tuổi. Với liều lượng: người lớn và trẻ em trên 3 tuổi 0,5ml/liều; trẻ em 6-36 tháng tuổi 0,25ml/liều. Nên tiêm mũi thứ hai sau ít nhất 4 tuần cho những trẻ em chưa từng tiêm vắc-xin cúm trước đó. Vắc-xin đã được sử dụng rộng rãi ở các điểm tiêm ngừa trên toàn quốc. |
Tuy chưa phát hiện ca nhiễm cúm A/H5N1 mới nào, nhưng tại Việt Nam đã có hiện tượng gia cầm chết lẻ tẻ ở một vài địa phương, nhưng chưa được chính quyền, cơ quan chức năng và chủ hộ chăn nuôi chú ý khai báo, xử lý ổ dịch.
Tình hình nhập khẩu, mua bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm tại các cửa khẩu biên giới chưa được kiểm soát chặt chẽ, việc mua bán và giết mổ gia cầm không đảm bảo các quy định vẫn đang tiếp diễn ở một số địa phương, nên mầm bệnh dễ phát tán rộng, nguy cơ phát sinh ổ dịch mới ở gia cầm và lây lan sang người là rất cao.
Bộ Y tế cũng cho biết đang phối hợp với Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức truyền thông phòng chống H5N1 tại tuyến xã, huyện. Một đợt tập huấn cập nhật kiến thức cho 50 tỉnh thành về H5N1 cũng sắp được tiến hành.
Cũng liên quan đến việc phòng chống cúm gia cầm, PGS.TS Nguyễn Đức Hiền, Giám đốc Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới Trung ương cảnh báo:
''Trước tình hình cúm gia cầm xuất hiện ở một số nước Đông Nam Á, việc tiêm vắc-xin cúm thông thường ở người tuy không ngăn ngừa được cúm gia cầm ở người nhưng sẽ giúp giảm khả năng phối hợp giữa 2 loại virus cúm người và cúm gia cầm''. PGS.TS Nguyễn Đức Hiền cũng khuyến cáo:
''Cán bộ y tế thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân và những người tiếp xúc với gia cầm là đối tượng cần được tiêm ngừa cúm''.Lệ Hà