Boeing hé lộ máy bay phản lực hai động cơ lớn nhất thế giới

  •   32
  • 1.025

Mẫu thử nghiệm của máy bay phản lực hai động cơ lớn nhất thế giới 777-9X được sản xuất tại nhà máy Boeing ở Everett, Washington.

Máy bay phản lực 777X được hé lộ lần đầu tiên hôm 3/10 trong hình ảnh phát trực tuyến từ sàn nhà máy của Boeing ở Everett, Washington, Mỹ. Chiếc máy bay là bản thử nghiệm của 777-9X, mẫu đầu tiên trong dòng 777 thế hệ mới. Khi cất cánh trên bầu trời, đây sẽ là máy bay phản lực hai động cơ lớn nhất thế giới, theo CNN.

Sau khi hoàn thành, 777-9X sẽ trở thành máy bay có sải cánh rộng nhất trong lịch sử 102 năm của công ty (71,7 mét). Chỉ riêng phần đầu cánh có khớp nối đã dài gần 4 mét với chốt khóa nhằm ngăn bộ phận này gập lại trong lúc bay. Bộ cánh làm tăng lực nâng cho máy bay, tương tự như một chiếc tàu lượn kiểu cánh buồm khổng lồ, giúp 777-9X tiết kiệm 12% nhiên liệu so với Airbus A350.

777-9X có thiết kế cánh gập giúp tăng lực nâng.
777-9X có thiết kế cánh gập giúp tăng lực nâng. (Ảnh: CNN).

Trên thực tế, Cơ quan quản trị hàng không liên bang Mỹ phải soạn thảo quy định mới dành riêng cho 777-9X và biến thể 777-8X. Dù có kích thước đồ sộ, sải cánh của máy bay 777-9X chưa phải là lớn nhất trên thị trường. Nó vẫn nhỏ hơn một chút so với sải cánh của Airbus A380, mẫu máy bay chở khách lớn nhất thế giới hiện nay (79,7 mét) và máy bay Stratolaunch chuyên dùng để phóng tên lửa lên quỹ đạo (117 mét).

Mẫu 777-9X chuyên dùng cho thử nghiệm tĩnh được lắp ráp toàn bộ tại nhà máy Everett hồi tháng 9. Dù không bao giờ cất cánh, chiếc máy bay sẽ trải qua gần một năm thử nghiệm trên mặt đất để xác kiểm tra độ bền về mặt kết cấu và tính chuẩn xác trong thiết kế. Dù bộ khung máy bay đã gần như hoàn chỉnh, nó còn thiếu một số bộ phận như động cơ và hệ thống điện tử hàng không.


Boeing đã lắp ráp gần như hoàn thiện máy bay thử nghiệm 777-9X. (Ảnh: CNN).

"Thử nghiệm tĩnh là cơ hội của chúng tôi để xác định thiết kế về kết cấu và các bộ phận chịu tải của máy bay, đảm bảo sản phẩm cuối cùng an toàn cho hành khách", Doreen Bingo, quản lý chương trình thử nghiệm 777X của Boeing, cho biết. "Sử dụng máy bay cỡ chuẩn, chúng tôi sẽ áp dụng nhiều điều kiện tải khác nhau cho cánh, hệ thống truyền động, thanh giằng và thân".

Bộ cánh từng được thử nghiệm với khối lượng tải nhiều gấp rưỡi so với thiết kế trước đây. Thân máy bay làm từ nhôm giống như phần lớn máy bay khác, nhưng bộ cánh sản xuất từ sợi carbon siêu nhẹ và siêu bền, giúp tiết kiệm nhiên liệu. Quy trình xử lý đặc biệt cho bộ cánh bao gồm sử dụng một lò áp suất khổng lồ để nung vật liệu sợi carbon.


Chiếc máy bay sẽ trải qua một năm thử nghiệm trên mặt đất. (Ảnh: CNN).

Với sức chở 350 - 425 hành khách, Boeing 777-9X sẽ đi vào hoạt động năm 2020. Các thử nghiệm bay sẽ bắt đầu năm sau. Boeing cho biết chi phí vận hành của 777-9X thấp hơn 10% so với A350-1000. Tầm bay dự kiến là hơn 14.000km, bằng khoảng cách giữa Dubai và thành phố Panama. Một số hãng hàng không đã đặt hàng 777-9X, bao gồm Emirates, All Nippon Airways và Lufthansa.

Cập nhật: 12/10/2018 Theo VNE
  • 32
  • 1.025