Bưu chính điện tử - hướng tiếp cận nền kinh tế toàn cầu hóa của bưu chính Việt Nam (Kỳ I)

  •  
  • 1.092

Bước sang thế kỷ 21, kỷ nguyên của CNTT - Internet, toàn cầu hoá trên mọi phương diện, các quốc gia, doanh nghiệp và từng cá nhân đều phải đối mặt với những thay đổi nhanh chóng của môi trường xung quanh, nhiều cơ hội và cả những thách thức to lớn. Làm thế nào để nắm bắt được cơ hội, vượt qua những thách thức, phát huy được lợi thế, hạn chế những điểm yếu của mình để đạt được sự tăng trưởng bền vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng quyết liệt, đó là câu hỏi đang được đặt ra cho tất cả. Nó cũng là câu hỏi lớn cho Ngành bưu chính Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước.

Một câu nói hài hước: “Thế kỷ trước, người bưu tá sợ nhất con chó, còn “con chuột”, đó mối đe dọa lớn nhất đối với người bưu tá ngày nay”.

Nguồn: baokhanhhoa.comThực vậy, khoa học công nghệ mới, đặc biệt là máy tính và Internet đang lấn lướt nhiều dịch vụ truyền thông cơ bản, nhưng nhiều tổ chức bưu chính trên khắp thế giới đã thực sự tham gia vào cuộc cách mạng cải tổ và biến mối đe dọa đó thành công cụ phát triển. Ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, kinh doanh, thay vì bị chính những công nghệ đó lấn lướt trên thị trường, phát triển một kênh cung cấp với chuỗi dịch vụ bưu chính mới, đó là Bưu chính điện tử.

Ra đời từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, hơn 15 năm qua, bưu chính điện tử ở một số quốc gia, điển hình như Mỹ, Canada, Pháp, Nhật bản, Hàn quốc, Hồng Kông… đã khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường dịch vụ bán lẻ trực tuyến, dịch vụ hậu cần bưu chính và dịch vụ tài chính. Các doanh nghiệp bưu chính này đã phát triển mạnh mẽ trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế, đương đầu với những tập đoàn chuyển phát toàn cầu có thương hiệu nổi tiếng như Fedex, DHL, TNT… để thích ứng với môi trường quốc tế hóa cạnh tranh khốc liệt.

Bưu chính Việt Nam cũng không nằm ngoài luồng gió vận hội và những thách thức to lớn đó. Một vài cơ hội nổi bật như kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng bền vững; tình hình chính trị, xã hội khá ổn định; hội nhập kinh tế quốc tế; Bưu chính đang dần tách ra khỏi viễn thông và trở thành một đơn vị tự chủ kinh doanh, hạch toán độc lập. Thách thức là việc thị trường bưu chính đã bắt đầu mở cửa, cạnh tranh tự do theo lộ trình cam kết với Tổ chức thương mại thế giới – WTO, đối thủ là các tập đoàn bưu chính, công ty chuyển phát xuyên quốc gia, các ngân hàng và tổ chức tài chính trong và ngoài nước, các công nghệ truyền thông thay thế hiện đại được phát minh và ứng dụng một cách nhanh chóng. Hiện tại, Bưu chính Việt Nam vẫn chủ yếu cung cấp các dịch vụ cơ bản tại các giao dịch truyền thống và thua lỗ triền miên. Việc nghiên cứu, ứng dụng bưu chính điện tử, tiến tới hiện đại hoá bưu chính, nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chất lượng dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại cho Bưu chính Việt Nam là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

1. Giới thiệu về bưu chính điện tử

Bưu chính điện tử là các hoạt động kinh doanh điện tử được ứng dụng trong bưu chính. Hàng loạt thuật ngữ mới ra đời cùng với bưu chính điện tử như Bưu cục điện tử (E-Post office); Thanh toán hóa đơn điện tử (E-Paybill); Tem điện tử (E-stamp); Dịch vụ trọn gói (E-fulfillment); Dịch vụ thu mua trực tuyến (E-Procurement)…


Hình 1: Mô tả hoạt động của bưu cục điện tử

Hoạt động của bưu chính điện tử gồm 4 lĩnh vực chính: Quản lý mối quan hệ khách hàng (Customer Relationship Management); Thương mại điện tử (Electronic Commerce) theo nghĩa hẹp; Quản lý kênh cung ứng (Supply Chain Management) và Quản lý nguồn lực doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning).


Hình 2. Hoạt động của bưu chính điện tử

2. Hiện trạng của bưu chính Việt Nam

Chính sách phát triển của Bưu chính Việt Nam sau khi chia tách Bưu chính - Viễn thông: Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển Bưu chính Việt Nam đến năm 2010 nhấn mạnh vai trò của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam như sau: Kể từ khi thành lập, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam sẽ được hỗ trợ kinh phí từ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (trước đây là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam). Phần hỗ trợ này sẽ giảm dần trong các năm tiếp theo. Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Bưu chính, Viễn thông.

Tiến sỹ Hoàng Thọ Thái, Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn bưu chính Viễn thông đã trao đổi với báo điện tử VietNamNet về năng lực và kế hoạch kinh doanh sau chia tách của bưu chính: Bưu chính Việt Nam sẽ được phép kết hợp cung cấp các dịch vụ công ích với các dịch vụ thương mại, để có thể đảm bảo lấy thu bù chi vào năm 2010. Cụ thể, Chính phủ cho phép Bưu chính Việt Nam được phát triển các dịch vụ tài chính như: dịch vụ trả lương hưu, dịch vụ thanh toán, dịch vụ nhờ thu, phát cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ (thu tiền bảo hiểm nhân thọ, thu tiền điện, điện thoại, nước...) và đặc biệt, ngành bưu chính chú trọng việc tham gia cung cấp các dịch vụ viễn thông qua các hình thức bán lại dịch vụ, đại lý cho viễn thông như: phát hóa đơn, thu cước, tiếp nhận yêu cầu cung cấp dịch vụ, cung cấp các dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, dịch vụ Internet...

Như vậy, rất nhiều dịch vụ mới sẽ ra đời trong khi xét về nguồn lực của Bưu chính Việt Nam lại có hạn.

Sự khan hiếm về các nguồn lực của Bưu chính Việt Nam: Theo kinh tế học hiện đại, nguồn lực của một doanh nghiệp rất đa dạng, bao gồm các yếu tố hữu hình như nhân lực, vật lực, tài lực và các nguồn lực vô hình như tri thức, thương hiệu, thông tin, thời gian...

Về nhân lực của Bưu chính Việt Nam, theo đánh giá chung là chất lượng chưa cao mặc dù số lượng tương đối lớn (hơn 4 vạn cán bộ công nhân viên). Nếu tăng thêm dịch vụ mà không tăng thêm kênh phục vụ (ví dụ như bưu cục tự động, cung cấp dịch vụ trực tiếp hay thương mại điện tử) trong khi biên chế khó tăng, quỹ lương có hạn, trình độ nhân viên hạn chế (đa phần là lao động thủ công)… sẽ gây ra áp lực và cường độ công việc quá lớn, khó đạt được hiệu quả như mong đợi.

Về vật lực, bao gồm phương tiện, trang thiết bị, hay công nghệ ứng dụng. So với viễn thông thì công nghệ bưu chính còn rất thô sơ, đầu tư chưa nhiều, phần lớn khai thác thủ công, chỉ có một số ít thiết bị như cân điện tử, máy vi tính… ở giao dịch và hệ thống chia chọn bưu gửi tự động ở hai trung tâm đầu mối. Bưu chính Việt Nam đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong truy tìm định vị bưu gửi chuyển phát nhanh (EMS), hệ thống quản lý dịch vụ chuyển tiền... Đây cũng là hiện trạng chung của bưu chính các nước đang phát triển.

Rất nhiều năm thua lỗ, hoạt động nhờ vào các khoản hỗ trợ chủ yếu từ viễn thông nên nguồn lực Tài chính của Bưu chính Việt Nam là vấn đề khó khăn nhất cần được quan tâm xem xét trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Nếu không bứt phá, bưu chính sẽ tụt hậu về nhiều mặt, trong đó có con người, công nghệ và sản phẩm dịch vụ hàm chứa ít tri thức, sẽ khó khăn trong cạnh tranh.

Bên cạnh đó, thời gian trong cam kết thực hiện lộ trình toàn cầu hóa, chia tách bưu chính viễn thông không còn nhiều cho Bưu chính Việt Nam, trong khi bưu chính các nước và các tập đoàn chuyển phát, hậu cần, tài chính trong khu vực và trên thế giới phát triển như vũ bão và ngày càng hoàn thiện. Chính sách bảo hộ của Chính phủ đối với bưu chính chỉ có thể tồn tại khi bản thân Chính phủ cũng có khả năng tài chính mạnh. Việt Nam là một nước có nền kinh tế đang phát triển và việc bảo hộ cho các dịch vụ bưu chính công ích là rất khó khăn. Bưu chính phải tự tìm hướng đi đúng cho mình theo xu thế phát triển chung của thế giới và tiến hành theo lộ trình đã đặt ra thì mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Bài học từ viễn thông cho thấy, chỉ có tiếp cận công nghệ mới có thể phát triển và bứt phá. Như vậy, ứng dụng thương mại điện tử là một trong những hướng đi đúng đắn, điều này đã được kiểm chứng bằng nhiều bài học từ những doanh nghiệp bưu chính của các nước trên thế giới.

(Còn nữa)

Theo VTV
  • 1.092