Bưu chính điện tử - hướng tiếp cận nền kinh tế toàn cầu hóa của bưu chính Việt Nam (Kỳ III)

  •  
  • 336

Hiện nay, vấn đề an toàn và bảo mật thông tin thuộc hạ tầng cơ sở công nghệ đã được Bưu chính Việt Nam quan tâm và giao trách nhiệm cho ban Postnet quản lý. Một hệ thống Firewall (tường lửa) xây dựng trên bộ chuyển mạch trung tâm Post*Net cung cấp bức tường lửa bảo đảm an ninh mạng đã được xây dựng từ năm 2004. Đây là module bức tường lửa phần cứng kết hợp với một số hệ thống phát hiện đột nhập bên ngoài cung cấp khả năng an ninh mạng tiên tiến nhằm hạn chế tối đa các khả năng tấn công mạng và các truy nhập trái phép.

4, Đánh giá cơ sở hạ tầng phát triển Bưu chính điện tử của Bưu chính Việt Nam

a. Cơ sở hạ tầng công nghệ

Công nghệ thông tin và viễn thông là nền tảng cho sự phát triển của các ứng dụng thương mại điện tử. Bên cạnh những phát triển chung về hạ tầng công nghệ quốc gia, phần này sẽ đánh giá năng lực công nghệ của Bưu chính Việt Nam tính đến tháng 11/2006.

Máy tính: Tối thiểu mỗi tỉnh được Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam trang bị 2 máy chủ và khá nhiều máy vi tính cho điều hành và khai thác theo các dự án phát triển hệ thống thông tin bưu chính, cấu hình tương đối mạnh so với các phần mềm được triển khai. Các bưu điện tỉnh, thành phố có doanh thu lớn, số lượng máy tính được trang bị nhiều hơn. Ngoài ra, các bưu điện tỉnh, thành phố cũng đã tự trang bị được khá nhiều máy vi tính để trang bị cho các bưu cục cấp 2 và 3.

Phần mềm: Theo lộ trình phát triển đã có nhiều dự án phần mềm phục vụ công tác quản lý và khai thác các dịch vụ bưu chính như dự án phần mềm định vị và truy tìm bưu gửi EMS, quản lý và khai thác dịch vụ phát hành báo chí, quản lý và khai thác dịch vụ chuyển tiền, tiết kiệm bưu điện, quản lý túi gói, chuyến thư, tự động hóa giao dịch, quản lý danh bạ bưu cục... Thông qua các phần mềm này, chuyên viên nghiệp vụ có thể nắm được tình trạng phục vụ của dịch vụ để cung cấp thông tin cho nhà quản lý và khách hàng khi có yêu cầu, đồng thời thông qua trang web khách hàng cũng có thể biết được thông tin về hành trình bưu gửi của mình.

Các thiết bị mạng và phương thức kết nối mạng: Đi kèm với server và máy tính, các bưu điện tỉnh, thành phố cũng đã được trang bị các thiết bị mạng và các thiết bị hỗ trợ khác. Một số bưu điện tỉnh, thành phố kết nối dữ liệu về trung tâm dữ liệu Postnet thông qua mạng điều hành sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Một số các tỉnh khác kết nối với trung tâm thông qua đường megawan. Hầu hết các bưu điện, tỉnh thành phố kết nối dữ liệu các bưu cục cấp 3 lên bưu cục cấp 2 và từ các bưu cục cấp 2 kết nối với trung tâm dữ liệu của tỉnh (cấp 1) được thực hiện thông qua mạng cáp quang nội tỉnh, trừ một số nơi do địa hình không thuận lợi (như các vùng sâu, vùng xa) thì kết nối qua đường điện thoại (dial-up) hoặc bằng các kết nối khác về trung tâm.

Internet: Dự án Internet nông thôn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng đã được triển khai thí điểm và do đó một số điểm bưu điện văn hóa xã cũng đã có máy vi tính nối mạng internet phục vụ nhân dân.

An toàn và bảo mật:

Hiện nay, vấn đề an toàn và bảo mật thông tin thuộc hạ tầng cơ sở công nghệ đã được Bưu chính Việt Nam quan tâm và giao trách nhiệm cho ban Postnet quản lý. Một hệ thống Firewall (tường lửa) xây dựng trên bộ chuyển mạch trung tâm Post*Net cung cấp bức tường lửa bảo đảm an ninh mạng đã được xây dựng từ năm 2004. Đây là module bức tường lửa phần cứng kết hợp với một số hệ thống phát hiện đột nhập bên ngoài cung cấp khả năng an ninh mạng tiên tiến nhằm hạn chế tối đa các khả năng tấn công mạng và các truy nhập trái phép.

Bên cạnh đó là các hệ thống nhận dạng nguy cơ tấn công mạng, hệ thống cấp phép xác thực cung cấp cơ sở dữ liệu định danh truy nhập hệ thống tập trung giúp cho khả năng quản lý người truy nhập chặt chẽ. Tất cả các thành phần mạng tại trung tâm Post*Net đều được thiết kế với 2 hệ thống thiết bị chạy đồng thời nhằm dự phòng nóng và cân bằng tải trong hoạt động.

Ngoài ra vấn đề bảo vệ dữ liệu trên mạng trước nguy cơ virus cũng được quan tâm nhằm hạn chế tối đa nguy cơ này. Hệ thống giám sát mạng có thể quan sát được trạng thái của các hướng kết nối, tình trạng và tải của hệ thống nhằm có các hành xử kịp thời cũng như có các quyết định bảo dưỡng, nâng cấp cho phù hợp.

Với tốc độ phát triển mạnh như hiện nay, vấn đề công nghệ không là trở ngại đối với phát triển bưu chính điện tử.

b. Cơ sở hạ tầng pháp lý

Năm 2006 đánh dấu sự ra đời của hàng loạt các văn bản pháp lý quan trọng hoặc các điều khoản bổ sung trong văn bản luật liên quan đến thương mại điện tử như Luật giao dịch điện tử, Pháp lệnh Quảng cáo thừa nhận quảng cáo điện tử, Luật Thương mại Việt Nam với các quy định về giao dịch điện tử, Luật Kế toán thừa nhận các hóa đơn, chứng từ điện tử, Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) đề cập tới hình thức giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin có phần đề cập tới Chính phủ điện tử và thương mại điện tử. Ngoài ra còn có các văn bản cũng rất quan trọng như Nghị định về chữ ký số và dịch vụ chứng thực điện tử, Nghị định về nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, Các thủ tục cấp phép điện tử cho các hoạt động đầu tư, thương mại, Pháp luật về sở hữu trí tuệ, Pháp luật về chứng cứ, Bộ luật Hình sự quy định về Tội phạm trên mạng…

Nhìn chung, để thương mại điện tử nói chung, bưu chính điện tử nói riêng đi vào cuộc sống, cần có một hành lang pháp lý đầy đủ và hoàn thiện hơn nữa.

c. Cơ sở hạ tầng thanh toán

Ở Việt Nam, hoạt động thanh toán điện tử chưa phát triển, chủ yếu vẫn dựa trên tiền mặt và chứng từ bằng giấy ở các ngân hàng. Việc tạo dựng được thói quen thanh toán bằng các phương tiện thanh toán điện tử là việc làm cần thiết mặc dù tương đối khó khăn. Ngoài ra, các phương tiện và thiết bị phục vụ cho hoạt động thanh toán ở nước ta còn hạn chế. Hiện nay, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống ngân hàng Việt Nam so với các ngân hàng khác trong khu vực còn khá chênh lệch. Chẳng hạn, các dịch vụ ngân hàng hiện đại như hệ thống ngân hàng tự động - ATM, các loại thẻ thanh toán, ngân hàng trực tuyến đã trở nên quen thuộc và phổ biến ở các nước này, trong khi ở Việt Nam thì các dịch vụ này mới bắt đầu đưa vào áp dụng hoặc mang tính thí điểm trong phạm vi hẹp với các đối tượng khách hàng.

Hiện tại, Việt Nam đang trong giai đoạn thử nghiệm ứng dụng hệ thống thanh toán điện tử với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới thông qua Dự án "Hiện đại hoá ngân hàng và các hệ thống thanh toán", được khởi động từ tháng 5/1994, bắt đầu thực hiện từ năm 1997.

Ngành Bưu chính không nằm ngoài những khó khăn trên khi phát triển bưu chính điện tử, tuy nhiên, một lợi thế của bưu chính, đó là việc cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ từ chuyển phát đến tài chính, nên khi triển khai bưu chính điện tử, có thể phối hợp các dịch vụ lại với nhau thành một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh mà không phải đầu tư quá lớn.

Hiện tại, Bưu chính Việt Nam có một số dịch vụ tài chính bưu chính hoàn toàn có khả năng hỗ trợ cho phát triển bưu chính điện tử như các dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ tiết kiệm bưu điện và dịch vụ tài khoản cá nhân, hiện đang triển khai rất thành công trong khu vực dân cư, nông thôn (B2C).

Thanh toán trong thương mại điện tử là vấn đề rất phức tạp, phức tạp ngay đối với các nước phát triển trên thế giới. Điều này được thể hiện qua các vấn đề sau: an toàn, bảo mật, chữ kí điện tử, chứng thực, mã hoá, thanh toán điện tử, ngân hàng điện tử. Tất cả các vấn đề này còn rất mới và chưa hoàn thiện ở Việt Nam đặc biệt như các vấn đề bảo mật, mã hoá, hay ngân hàng điện tử chứ chưa bàn đến việc thanh toán điện tử qua thẻ tín dụng, ATM, séc cá nhân. Do đó chúng ta chưa thể phát triển bưu chính điện tử khi mà cơ sở hạ tầng thanh toán chưa hoàn thiện và ổn định hơn nữa vấn đề thanh toán điện tử còn non trẻ, chưa đạt được độ tin cậy nhất định trong giới kinh doanh và người tiêu dùng. Đó là một trong những rào cản tương đối lớn và cần phải giải quyết tốt điều này để làm bước đệm vững chắc cho việc phát triển bưu chính điện tử được nhanh chóng và hiệu quả.

(Còn nữa)

Theo VTV
  • 336