Cá heo sông Trường Giang trở lại sau một thập kỷ mất tích ở Trung Quốc

  •  
  • 3.434

Cá heo sông Trường Giang (Trung Quốc), một trong những loài động vật có vú lâu đời nhất trên trái đất, được cho là đã xuất hiện trở lại sau nhiều năm mất tích.

Những người làm công tác bảo tồn ở Trung Quốc tin rằng họ vừa nhìn thấy cá heo sông Trường Giang xuất hiện trở lại sau khi chúng được tuyên bố tuyệt chủng cách đây một thập kỷ.

Theo Guardian, một nhóm người yêu thiên nhiên nói họ đã nhìn thấy loài vật vốn được mệnh danh là "nữ thần Trường Giang" trên một nhánh của dòng sông này đoạn chảy qua thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy vào tuần trước.

"Không sinh vật nào có thể nhảy lên khỏi mặt nước sông Dương Tử như thế", Song Qi, trưởng nhóm nói trên, chia sẻ với tờ Sixth Tone. "Tất cả những người chứng kiến, bao gồm ngư dân, đều tin rằng đó là một con baiji".

Cá heo "baiji", loài vật đặc hữu sống ở hạ lưu sông Trường Giang, Trung Quốc.
Cá heo "baiji", loài vật đặc hữu sống ở hạ lưu sông Trường Giang, Trung Quốc. (Ảnh: AFP).

Baiji (âm Hán Việt: bạch ký), hay cá heo vây trắng, là tên Trung Quốc của loài cá heo nước ngọt đặc hữu sống ở hạ lưu sông Dương Tử (tên gọi khác của Trường Giang) từ cách đây 20 triệu năm. Năm 2006, các nhà khoa học tuyên bố "nữ thần Trường Giang" đã tuyệt chủng sau 6 tuần tìm kiếm nhưng bất thành.

Kể với Guardian, Song cho biết nhóm của ông đã bắt đầu chuyến khám phá dọc sông Trường Giang từ hôm 30/9.

Sáng 4/10, ông nhìn thấy một "chấm trắng" trồi lên trên mặt sông, ngay sau đó một "vùng sáng trắng" xuất hiện lấp loáng. Cảnh tượng lặp lại vài giây sau khiến ông tin rằng đó là một con baiji.

Ông Song thừa nhận ông không phải chuyên gia về loài vật và không hoàn toàn chắc chắn "nữ thần Trường Giang" quay trở lại. Tuy nhiên, Song nói những ngư dân địa phương cùng chứng kiến cảnh đó đều cam đoan rằng đó chính là loài cá heo được cho đã tuyệt chủng.

Theo các nhà khoa học, vào những năm 1950, sông Trường Giang là nơi sinh sống của hàng nghìn con cá heo vây trắng đặc hữu. Tuy nhiên, đến cuối thập niên 1980, số lượng loài này đã giảm xuống chỉ còn khoảng 200. Đây được cho là hệ quả của việc xây thủy điện, đánh bắt ồ ạt, tình trạng ô nhiễm cũng như hoạt động của tàu thuyền qua lại trên sông Trường Giang.

Cập nhật: 12/10/2016 Theo Zing
  • 3.434