Các nhà nghiên cứu tạo ra "nhiếp ảnh gia" robot biết chọn bố cục đẹp để chụp ảnh

  •   32
  • 247

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Cornell đã thiết kế một robot chụp ảnh, có thể hiểu được bố cục thẩm mỹ hài hòa. Bước đầu, nó được đào tạo để chụp ảnh nội thất, nhưng có thể đào tạo sâu hơn để sử dụng kỹ năng ở bất cứ đâu.

Robot chụp ảnh này có tên AutoPhoto.
Robot chụp ảnh này có tên AutoPhoto.

Robot có tên AutoPhoto và được phát triển bởi nghiên cứu sinh Hadi AlZayer, cùng với hai nhà nghiên cứu Hubert Lin và Kavita Bala. AlZayer cho biết ý tưởng này xuất phát từ mong muốn có một người bạn đồng hành có thể chụp ảnh với góc độ đẹp hơn ảnh selfie hay khi nhờ người khác chụp.

“Bất cứ khi nào tôi nhờ người lạ chụp ảnh cho mình, tôi đều nhận được những bức ảnh có bố cục kém,” anh nói. Điều này đã thúc đẩy AlZayer tìm cách để tạo ra robot chụp ảnh.

Những gì con người suy nghĩ để tạo ra một bức ảnh có bố cục thẩm mỹ rất phức tạp, nhưng AlZayer tin rằng nó có thể được tự động hóa bằng thuật toán. Sử dụng thuật toán cơ bản được tạo trước, anh giúp tinh chỉnh kỹ thuật thông qua một quá trình “học tăng cường” (reinforcement learning), là một lĩnh vực con của học máy (machine learning).

Đây là là hệ thống robot đầu tiên được "dạy" mô hình học máy thẩm mỹ.
Đây là là hệ thống robot đầu tiên được "dạy" mô hình học máy thẩm mỹ.

AutoPhoto được cho là hệ thống robot đầu tiên được "dạy" mô hình học máy thẩm mỹ có sẵn và đại diện cho một bước phát triển lớn trong việc sử dụng robot tự động để chụp ảnh. Robot này có thể biết điều gì tạo nên một bức ảnh tốt.

Mô hình học máy thẩm mỹ được đào tạo trên tập dữ liệu gồm hơn một triệu bức ảnh được xếp hạng thẩm mỹ bởi con người. Bản thân AutoPhoto cũng được đào tạo trên hàng chục hình ảnh 3D của các cảnh nội thất trong phòng để xác định góc bố cục tối ưu, trước khi nhóm gắn nó vào Jackal, một robot 4 bánh nhỏ, để di chuyển.


Robot biết chọn bố cục đẹp khi chụp ảnh.

Khi thả nó vào một tòa nhà trong khuôn viên trường, như bạn có thể thấy trong video ở trên, robot bắt đầu chụp một loạt các ảnh bố cục xấu, nhưng khi thuật toán AutoPhoto làm quen với môi trường, việc lựa chọn bố cục của nó được cải thiện đều đặn cho đến khi hình ảnh sánh ngang với các ảnh quảng cáo của những công ty bất động sản. Trung bình robot mất khoảng chục lần chụp lặp lại để tối ưu hóa mỗi cảnh, nhưng toàn bộ quá trình chỉ mất vài phút để hoàn thành.

Trung bình robot mất khoảng chục lần chụp lặp lại để tối ưu hóa mỗi cảnh
Trung bình robot mất khoảng chục lần chụp lặp lại để tối ưu hóa mỗi cảnh.

Trong tương lai, AlZayer hy vọng có thể điều chỉnh hệ thống AutoPhoto để sử dụng ngoài trời, có khả năng hoán đổi giữa Jackal và drone. “Chụp cảnh ngoài trời chất lượng cao là rất khó,” AlZayer nói, “vì khó kiểm soát bố cục hơn”.

Các nhà nghiên cứu tin rằng đây mới chỉ là bước khởi đầu của nhiếp ảnh tự động, cho phép robot chụp được những hình ảnh đẹp mắt về môi trường nguy hiểm hoặc hẻo lánh mà không cần sự can thiệp của con người.

Cập nhật: 22/03/2022 Theo Pháp luật&bạn đọc
  • 32
  • 247