Khi trí tuệ nhân tạo mạnh hơn đầu óc con người, thế giới sẽ ra sao?

  •   4,85
  • 6.785

Các nhà khoa học nghiên cứu tương lai đưa ra rất nhiều suy đoán về những gì có thể sẽ diễn ra đối với xã hội loài người sau thời điểm Singularity - khi mà trí tuệ máy móc vượt xa trí tuệ con người. Đó là một viễn cảnh tương lai có phần đen tối, nhưng cũng không kém phần thú vị.

Các nhà nghiên cứu tương lai tin rằng xã hội loài người sẽ hoàn toàn thay đổi sau thời điểm Singularity - khi mà trí tuệ nhân tạo vượt qua được trí tuệ con người.

Chuyện này diễn biến cụ thể ra sao thì "chín người mười ý", thế nhưng hầu hết các học giả đều tin rằng, Singularity sẽ xảy ra vào thế kỉ tiếp theo. Và đương nhiên, những hệ quả mà Singularity đem lại, sẽ có phần vừa thú vị - nhưng cũng vừa đáng sợ.

Mọi thứ sẽ thay đổi hoàn toàn

Một "chân trời mới" sẽ mở ra sau Singularity.
Một "chân trời mới" sẽ mở ra sau Singularity.

Thuật ngữ "Singularity" lần đầu tiên được sử dụng với ý nghĩa về mặt công nghệ (Khác biệt hẳn với nghĩa "điểm kì dị không-thời gian" trong vật lý) bởi nhà toán học John von Neumann vào năm 1958.

Theo như ông: "việc công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt, cùng với những thay đổi trong phương thức mà con người sinh sống, sẽ tạo ra một điểm singularity tất yếu mà sau đó, cuộc sống của loài người sẽ thay đổi hoàn toàn. Những điều vốn dĩ đã trở nên quen thuộc với loài người, sẽ hoàn toàn biến mất".

Sự "bùng nổ trí tuệ" sẽ cho phép những cỗ máy tự tạo ra những cỗ máy khác tốt hơn

Máy móc không chỉ bỏ xa chúng ta về mặt trí tuệ, mà chúng còn cảm thấy con người không còn cần thiết nữa.
Máy móc không chỉ bỏ xa chúng ta về mặt trí tuệ, mà chúng còn cảm thấy con người không còn cần thiết nữa.

Trong một bài viết được nhà toán học I. J. Good thực hiện vào năm 1965, ông dự đoán rằng, dần dần những cỗ máy có thể tự mình chế tạo nên những cỗ máy khác hoàn thiện hơn.

Nguyên văn lời ông như sau:

"Sẽ có một cỗ máy siêu thông minh có khả năng vượt xa khả năng trí tuệ của toàn bộ loài người.

Nếu như suy xét kỹ hơn, ta có thể thấy rằng, hoạt động thiết kế và chế tạo ra những cỗ máy cũng thuộc về "khả năng trí tuệ" của con người. Vậy nên, đương nhiên nếu cỗ máy "siêu thông minh" ở trên tồn tại, chúng sẽ có thể thiết kế và tạo nên một cỗ máy khác còn thông minh hơn rất nhiều lần. Và khi điều này xảy ra, sẽ có một cuộc "bùng nổ trí tuệ" khiến cho trí tuệ của máy móc bỏ xa trí tuệ của con người.

Và rất có thể, "cỗ máy siêu thông minh" sẽ trở thành phát minh cuối cùng được thực hiện bởi loài người".

Thậm chí, cả Stephen Hawking cũng tỏ ra lo ngại điều này.

Theo như lời ông trong một cuộc AMA (Ask Me Anything - Hãy hỏi tôi bất cứ điều gì) trên Reddit: "Nếu như trí tuệ nhân tạo trở nên giỏi hơn con người trong việc thiết kể AI, chúng ta sẽ gặp phải một cuộc bùng nổ trí tuệ, mà kết quả sẽ là trí thông minh của máy móc sẽ gấp rất, rất nhiều lần con người. Thậm chí, còn nhiều lần hơn cả khi so sánh trí tuệ con người với loài ốc sên".

Những cỗ máy (rất có thể) sẽ lên nắm quyền cai quản

Alan Turing do Benedict Cumberbatch thủ vai, trong bộ phim "The Imitation Game".
Alan Turing do Benedict Cumberbatch thủ vai, trong bộ phim "The Imitation Game".

Nhà toán học và mật mã học người Anh Alan Turing cho rằng, tương lai sau Singularity sẽ vô cùng đen tối.

Theo ông, máy móc không chỉ bỏ xa chúng ta về mặt trí tuệ, mà chúng còn cảm thấy con người không còn cần thiết nữa.

"Một khi máy móc có thể tự suy nghĩ cho chính mình, thì sẽ không mất nhiều thời gian để chúng nắm lấy quyền lực của con người.

Những cỗ máy sẽ chẳng lo ngại việc chết đi, và chúng còn có thể tương tác với nhau để nâng cấp trí tuệ của mình lên nhiều lần. Sẽ đến lúc mà con người phải chuẩn bị tinh thần cho việc máy móc lên nắm quyền điều khiển".

Một số học giả tin rằng, Singularity là thời điểm mà con người tìm thấy "truyền nhân" của mình

Viễn cảnh như trong "Battlestar Galatica" có thể sẽ diễn ra.
Viễn cảnh như trong "Battlestar Galatica" có thể sẽ diễn ra.

Suy nghĩ của Alan Turing về việc trí tuệ nhân tạo giống như một dạng thức tiến hóa mới nhận được sự ủng hộ của nhà nghiên cứu Robot Hans Moravec tại Đại học Carnegie Mellon. Theo như ông, những cỗ máy sử dụng AI sẽ "kế thừa" xã hội loài người.

Trong cuốn sách "Mind Children: The Future of Robot and Human Intelligence", Moravec dự đoán robots sẽ trở thành một loài sinh vật nhân tạo trong khoảng giữa thập niên 30 và 40 của thế kỉ này. Chúng sẽ tiến hóa từ con người, nhưng khác xa con người rất nhiều, giống như giữa loài người và loài vượn vậy.

Chúng sẽ trở thành "truyền nhân của loài người", giống như trong "Battlestar Galactica" hay nhiều cuốn truyện viễn tưởng khác. Và mặc dù máy móc là sản phẩm của trí tuệ con người, nhưng đến lúc đó, chúng sẽ phát triển độc lập mà không cần đến chúng ta nữa.

Rất có thể, trí tuệ nhân tạo sẽ cho rằng, con người không còn cần thiết nữa

Trí tuệ nhân tạo có thể còn nguy hiểm hơn bất cứ loại vũ khí nào.
Trí tuệ nhân tạo có thể còn nguy hiểm hơn bất cứ loại vũ khí nào.

Elon Musk, sáng lập viên của SpaceX, đang đầu tư rất nhiều vào trí tuệ nhân tạo.

Trên Twitter của mình, ông đã từng tweet rằng: "trí tuệ nhân tạo có thể còn nguy hiểm hợn cả bom nguyên tử", đồng thời cũng khuyên mọi người nên đọc cuốn "Superintelligence" của Nick Bostrom để hiểu rõ tại sao.

Nick Bostrom là người sáng lập nên Viện Tương lai con người tại Oxford. Theo như ông, trí tuệ nhân tạo sau thời điểm Singularity sẽ khiến cuộc sống chúng ta trở nên khác biệt hoàn toàn.

"Sẽ có những nguy cơ to lớn tiềm ẩn, đe dọa đến sự sống tự nhiên trên Trái đất, từ trí tuệ của những cỗ máy" - Nick Bostrom trả lời trong một cuộc phỏng vấn.

Trong cuốn "Superintelligence", ông viết rằng, Trái đất hậu Singularity sẽ trở thành: "một xã hội mà những phép màu về kinh tế cũng như những thành tựu công nghệ tuyệt vời diễn ra, nhưng không còn ai để tận hưởng chúng. Điều này chẳng khác gì một công viên Disneyland không có trẻ em tới chơi".

Nền kinh tế sẽ tăng trưởng với tốc độ chóng mặt

Sau Singularity, sẽ chỉ cần từ một tuần, đến tối đa là một tháng để tăng trưởng gấp đôi.
Sau Singularity, sẽ chỉ cần từ một tuần, đến tối đa là một tháng để tăng trưởng gấp đôi.

Ông Robin Hanson, hiện đang là nhà kinh tế học tại Đại học George Mason tin rằng, Singularity thực ra đã từng diễn ra ít nhất hai lần trong lịch sử - đó là hai cuộc "cách mạng nông nghiệp" "cách mạng công nghiệp".

Rất có thể, cuộc cách mạng công nghệ diễn ra vào thời điểm Singularity, sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của loài người cao hơn từ 60 cho tới 250 lần so với hiện tại.

"Nền kinh tế thế giới, sau Singularity, sẽ chỉ cần từ một tuần, đến tối đa là một tháng để tăng trưởng gấp đôi. Trong khi hiện tại, chúng ta cần tới khoảng 15 năm để đạt được điều này" - ông Hanson cho biết.

Thậm chí, chúng ta có thể ngăn cản cái chết

Vấn đề lão hóa sẽ không còn là nỗi lo của con người.
Vấn đề lão hóa sẽ không còn là nỗi lo của con người.

Nhà nghiên cứu lão hóa đến từ Cambridge, Aubrey de Gray tin rằng chúng ta sẽ có thể chấm dứt quá trình lão hóa. Thậm chí, ông cho rằng, "người bất tử" đang tồn tại trong xã hội loài người.

Theo như ông, chúng ta sẽ tìm ra các liệu pháp có khả năng "sửa chữa, cũng như ngăn chặn quá trình lão hóa của mô cơ cũng như tế bào trong cơ thể", dẫn đến việc cơ thể con người không già đi được nữa.

Cơ thể chúng ta rồi sẽ không hề thay đổi, dù nhiều năm trôi qua.

Và rồi, sẽ là hồi sinh người đã khuất

Sẽ không còn những góa phụ nữa.
Sẽ không còn những góa phụ nữa.

Ray Kurzweil, một nhà nghiên cứu tương lai tại Google, đã rất nhiều lần nói rằng ông sẽ "hồi sinh" cha mình, ông Frederick Kurzweil, thông qua trí tuệ nhân tạo.

Ông tin rằng, vào năm 2030, chúng ta có thể sử dụng Nanobot để tách lấy ký ức con người. Sử dụng thông tin đó kết hợp với DNA của những người đã khuất, việc tạo nên một phiên bản khác của con người trong thế giới ảo hoàn toàn khả thi.

Tương tự như vậy, dự án Humai cũng tuyên bố rằng, mục tiêu của họ là hồi sinh con người trong vòng 30 năm tới, dưới dạng một robot sử dụng trí thông minh nhân tạo.

Nanobot sẽ kết nối não bộ của chúng ta thẳng tới mạng Internet

Nanobot - những chú robot siêu vi.
Nanobot - những chú robot siêu vi.

Kurzweil có vẻ như rất quan tâm tới Nanobot - những chú robot siêu vi. Ông tin rằng, chúng có thể thay đổi nhận thức của con người, thông qua đó các bộ não có thể giao tiếp trực tiếp với nhau. Đồng thời, việc học bất cứ thứ gì mới cũng trở nên đơn giản hơn rất nhiều (y như trong phim Ma Trận vậy).

Và nếu con người có khả năng liên kết bộ não của mình tới hệ thống đám mây, thì có lẽ, chúng ta sẽ trở nên bất tử, ít nhất là trong môi trường thực tế ảo.

Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,85
  • 6.785