Khi bạn chuẩn bị kế hoạch cho một hành trình, chắc chắn bạn phải biết chuyến đi đó sẽ mất bao lâu. Và nếu loài người muốn du hành liên sao, thì đây sẽ là khoảng thời gian cần thiết để đến đích.
Một số nhà vật lý đã cố gắng tính toán chính xác thời gian mà chúng ta sẽ cần, để đến các hệ sao khác trong thiên hà của chúng ta, với công nghệ tàu vũ trụ hiện có.
Họ đã xem xét cụ thể bốn tàu thăm dò không gian không người lái đã được NASA phóng lên vũ trụ (là Pioneer 10 và 11, Voyager 1 và 2), những số liệu thu được sẽ cho chúng ta biết được con người sẽ mất bao lâu để thoát ra khỏi Hệ Mặt Trời.
Voyager 1 sắp di chuyển đến biên giới của Hệ Mặt Trời.
Ta sẽ phải chờ hàng ngàn năm nữa để các tàu thăm dò có thể thấy được một hệ sao và gửi dữ liệu về; sau đó sẽ cần cả triệu tỷ năm nữa để chúng tiếp xúc được với một ngôi sao. Trong bài báo của mình, các nhà nghiên cứu cho rằng: "Thời gian để một trong bốn tàu vũ trụ của NASA tiếp cận với một ngôi sao là khoảng 10 20 [một nghìn tỷ tỷ] năm, vì vậy hành trình của chúng còn rất dài".
Để đi đến kết luận này, Coryn Bailer-Jones từ Viện Thiên văn học Max Planck ở Đức và Davide Farnocchia từ Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA, đã nghiên cứu dữ liệu mới nhất từ đài quan sát vũ trụ Gaia.
Bản đồ cập nhật mới nhất của Gaia có vị trí của khoảng 7,2 triệu ngôi sao. Từ số dữ liệu đó, họ đã kết hợp với hành trình dự kiến của các tàu thăm dò không gian Pioneer 10, Pioneer 11, Voyager 1 và Voyager 2, đã được phóng lên trong khoảng thời gian từ năm 1972 đến 1977.
Kết quả cho thấy, trong một triệu năm tới, bốn tàu thăm dò này có thể sẽ "chạm mặt" khoảng 60 ngôi sao. Và đến "tương đối gần" 10 ngôi sao - mặc dù gọi là "tương đối gần" nhưng chúng vẫn cần thêm khoảng 2 parsec (parsec là đơn vị độ dài dùng trong thiên văn học), tức là hơn 6 năm ánh sáng, hoặc hơn 56 nghìn tỉ km nữa mới thực sự đến đích.
Để dễ hình dung, chúng ta hãy nhìn vào khoảng cách từ Trái Đất đến sao Diêm Vương (hành tinh nằm ngoài cùng của Hệ Mặt Trời): chỉ hơn 7 tỷ km mà thôi. Còn khoảng cách hiện tại từ các tàu thăm dò đến ngôi sao gần nhất cũng gấp con số 7 tỷ km nhiều lần lắm.
Pioneer 10 là tàu có triển vọng đến đích trước tiên: dự kiến sẽ chạm mặt sao lùn "HIP 117795" trong chòm sao Cassiopeia, dĩ nhiên đó là chuyện của 90.000 năm sau. Kể cả lúc đó, nó vẫn sẽ cách HIP 117795 khoảng 0,231 parsec (khoảng 7 nghìn tỉ km) và sẽ bay ngang ngôi sao lùn này vận tốc tương đối lên tới 291 km/s.
Thực ra các sứ mệnh không gian trong tương lai, không nhất thiết phải đi theo con đường của bốn tàu thăm dò này - hệ thống sao gần nhất của chúng ta, Alpha Centauri, chỉ cách khoảng 4,37 năm ánh sáng hoặc 1,34 parsec. Với công nghệ hiện tại, nếu chúng ta phóng một tàu tương tự như Voyager 1, thì nó có thể xuất hiện ở Alpha Centauri chỉ trong khoảng 80.000 năm nữa.
Những tính toán của các nhà khoa học mặc dù chưa phải là con số chính xác trong tương lai, vì công nghệ của chúng ta đang phát triển vượt bậc, nhưng nó đã cho thấy quy mô vĩ đại của thiên hà (chưa kể đến toàn bộ Vũ Trụ), và điều cần làm trước tiên của loài người là : thoát khỏi Hệ Mặt Trời.
Chúng ta có thể phải trải qua nhiều thế hệ để đến được những ngôi sao gần nhất, ít nhất là cho đến khi các nhà khoa học tìm ra cách phát triển "Warp Drive" - động cơ dịch chuyển tức thời đã được nghiên cứu.....trong sách báo và phim khoa học viễn tưởng.
Công nghệ viễn tưởng: Warp Drive.
Một số chuyên gia thực sự thì nghĩ rằng, có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ di chuyển được với vận tốc ánh sáng (và đến Alpha Centauri sau bốn năm hoặc lâu hơn), nhưng điều này hoàn toàn là lý thuyết cho đến thời điểm hiện tại. Vì vậy hiện tại, có lẽ tốt nhất chúng ta chỉ nên tập trung vào sao Hỏa.
Hiện tại, nghiên cứu này vẫn chưa được kiểm duyệt, bạn có thể tham khảo trước trên arXiv.org.