Nho, cá, rau xanh, thịt lợn, lựu... được một số quốc gia chọn làm món ăn dịp đầu năm, với hy vọng sẽ có một năm thịnh vượng, khỏe mạnh và may mắn.
Nho: Người Tây Ban Nha ăn 12 quả nho khi đồng hồ điểm 12 tiếng theo nhịp chuông. Truyền thống này bắt nguồn từ năm 1909, khi những người trồng nho vùng Alicante thực hiện điều này để giải quyết số nho thừa. Sau đó, ý tưởng này lan tới Bồ Đào Nha và các vùng từng là thuộc địa của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha như Venezuela, Cuba, Mexico, Ecuador, và Peru. (Ảnh: Popsugar.)
Mỗi quả tượng trưng cho một tháng, ví dụ nếu quả thứ 3 hơi chua, điều đó nghĩa là tháng 3 sẽ khá khó khăn. Phần lớn sẽ cố ăn hết 12 quả trước tiếng chuông cuối cùng, nhưng người Peru sẽ thêm quả thứ 13 để đảm bảo may mắn. (Ảnh: Beepb.)
Rau xanh: Các loại rau như bắp cải, cải lá, cải xoăn và cải cầu vồng là món hay được ăn vào dịp năm mới ở nhiều quốc gia vì lý do đơn giản: lá của chúng giống như những đồng tiền gấp, tượng trưng cho tương lai giàu có. (Ảnh: Rd.)
Người Đan Mạch ăn cải xoăn hầm với đường và quế, người Đức ăn bắp cải trong khi người Mỹ chọn cải lá. Nhiều người tin rằng càng ăn nhiều rau xanh vào dịp năm mới thì năm sau càng thu được nhiều tiền của. (Ảnh: Seriouseats.)
Các loại đậu: Đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu xanh... đều được coi là biểu tượng của tiền bạc. Chúng có hình dạng tương tự đồng xu và nở ra khi được nấu chín, đem lại cho người ăn may mắn về tài chính. (Ảnh: Amazinghealthfulfoods).
Ở Italy, người dân thường thưởng thức xúc xích và đậu lăng xanh sau giao thừa. Người dân Đức cũng thường ăn món này vào năm mới, có thể thay đậu lăng bằng súp đậu. (Ảnh: Plated.)
Người Brazil thường ăn bữa đầu tiên của năm mới với súp đậu lăng hoặc đậu lăng và cơm. (Ảnh: Greenacres.)
Hoppin' John, Nam Mỹ: Một truyền thống ẩm thực quan trọng khi năm mới đến ở miền Nam nước Mỹ là Hoppin' John - món ăn gồm đậu Hà Lan hoặc đậu mắt đen (tượng trưng cho đồng xu) ăn kèm thịt lợn và cơm, thường được phục vụ với cải thìa hoặc các loại rau xanh nấu chín khác (vì chúng có màu tiền) và bánh ngô (màu vàng). Món ăn được cho là mang lại may mắn trong năm mới. Công thức nấu món Hoppin' John xuất hiện sớm nhất vào năm 1847 trong cuốn sách The Carolina Housewoman của Sarah Rutledge và đã được sử dụng qua nhiều thế kỷ.. (Ảnh: Foodnetwork).
Thịt lợn: Truyền thống ăn thịt lợn vào năm mới dựa trên quan niệm rằng lợn tượng trưng cho sự phát triển, do con vật này thường tiến về phía trước khi kiếm ăn. Lợn sữa quay là món không thể thiếu trong dịp năm mới ở Cuba, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungary và Áo. (Ảnh: Faimouioui/Wordpress).
Người Áo trang trí bàn ăn bằng bánh hạnh nhân hình những chú lợn tí hon. (Ảnh: Butteryum.)
Người Thụy Điển ăn chân giò, còn người Đức thưởng thức thịt lợn nướng và xúc xích. Thịt lợn cũng là món thường gặp ở Italy và Mỹ bởi giàu chất béo, tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng. (Ảnh: Chopstixfix).
Cá: Món ăn này được cho là đem lại nhiều may mắn vì 3 lý do: vảy của chúng có hình dạng như đồng tiền, chúng đi theo đàn - tượng trưng cho sự thịnh vượng, và chúng bơi về phía trước - tượng trưng cho phát triển. (Ảnh: Catholiccusine.)
Người Đan Mạch ăn cá tuyết hấp, trong khi ở Italy, món cá tuyết muối phơi khô được các gia đình làm suốt từ Giáng sinh tới năm mới. Đức và Ba Lan lại có món cá trích muối để có được may mắn. (Ảnh: Nytimes.)
Các loại bánh: Bánh và các loại đồ nướng khác thường có mặt trong thực đơn của nhiều quốc gia vào dịp Giáng sinh, năm mới, đặc biệt là các loại có hình tròn hoặc hình vòng. Italy có món chiacchiere làm từ bột mì rán phủ đường. (Ảnh: Theitalianbunnyreport/Wordpress).
Ba Lan, Hungary và Hà Lan thường ăn bánh donut. Ngoài ra, Hà Lan còn có olie bollen, một loại bánh nướng hình tròn, với nhân táo, nho khô hoặc lý chua. (Ảnh: Oliebollenzoetermeer).
Một số nền văn hóa còn có tục lệ giấu một món đồ trang sức hoặc đồng xu trong bánh, ai gặp được sẽ có nhiều may mắn vào năm mới. Ở Hy Lạp, người dân thường làm bánh vasilopita với một đồng xu bên trong. Bánh được cắt vào đêm giao thừa hoặc ăn tráng miệng vào ngày đầu năm. (Ảnh: Tarasmulticulturaltable).
Lựu: Người Thổ Nhĩ Kỳ coi lựu là loại quả đem lại may mắn vì nhiều lý do. Màu đỏ của chúng tượng trưng cho sự sống, sinh sôi nảy nở. Khả năng trị bệnh tượng trưng cho sức khỏe và các hạt tròn thể hiện sự thịnh vượng. (Ảnh: Aces).
Osechi ryori: Những món ăn ngày đầu năm của người Nhật được gọi chung là Osechi ryori, có ý nghĩa giúp các gia đình có thể sống tốt qua những ngày đầu năm mới khi mà các cửa hàng đều đã đóng cửa. Osechi ryori là các sản phẩm được chế biến từ đậu đen, cá và hải sản - những nguyên liệu nấu ăn phổ biến ở Nhật Bản. Theo quan niệm của người Nhật Bản, đậu đen, cá và hải sản sẽ giúp họ có sự năng động, hoạt bát hơn, trí não sáng suốt hơn để làm việc hiệu quả. Ngoài các món trên, trong ngày Tết còn có nhiều loại nước sốt được làm từ các loại đậu để chấm các loại bánh, chả và cá nướng. Thực phẩm để ăn cùng với nước sốt và gỏi cá là các loại bánh, mì sợi được chế biến từ các loại gạo. Tất cả những món ăn trong năm mới thường được người Nhật bảo quản trong những chiếc hộp gỗ sơn mài màu đỏ. Họ quan niệm hộp gói thức ăn càng đẹp bao nhiêu thì niềm hy vọng bội thu trong năm mới càng lớn bấy nhiêu.
Châu Nam Cực: Khác với những châu lục khác, tại châu Nam Cực là nơi chỉ có sông băng, núi tuyết, những đàn chim cánh cụt và các nhà khoa học. Những nhà khoa học sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc chào đón năm mới mang tên Icestock tại trạm nghiên cứu McMurdo của Mỹ và cùng nhau thưởng thức những món súp đầy ớt cay nồng bên cạnh cốc cà phê nóng hoặc sô cô la nóng để giúp tăng làm ấm cơ thể. (Ảnh minh họa)
Châu Úc: Người dân ở những quốc gia thuộc châu Úc thường ưa chuộng các món thịt và hải sản nướng trong các dịp lễ lớn và quan trọng như Giáng sinh hay năm mới. Bên cạnh đó, người dân Úc cũng không thể thiếu món bánh mì nướng ăn kèm quả bơ vào mỗi buổi sáng. Món ăn sáng bình dân này bắt nguồn từ nước Mỹ nhưng kể từ những năm 90, bánh mì bơ đã trở thành một món ăn sáng không thể thiếu của người dân ở châu lục này
Châu Phi: Người Nigeria xem đậu lăng tượng trưng cho đồng xu và vì vậy mà những hạt đậu này xuất hiện ở rất nhiều món ăn năm mới và kiêng các loại gia cầm vì cho rằng chúng sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính của gia đình. Người dân Uganda lại dành một món ăn đặc biệt cho bữa ăn sáng đầu năm mới với một bàn ăn sáng thịnh soạn gồm các món từ chuối Matooke (chuối cao nguyên Đông Phi), một loại chuối xanh được xem như nguồn lương thực chính ở một số quốc gia châu Phi và cũng là một sản vật quý giá, là nguồn xuất khẩu của Uganda.
Cá trích có nhiều ở Ba Lan và một số vùng của Scandinavia, và vì chúng có màu bạc nên nhiều người ở các quốc gia này ăn cá trích ngâm chua vào lúc nửa đêm để mang lại một năm thịnh vượng và bội thu. Một số ăn cá trích ngâm sốt kem hoặc ăn với hành tây. Một cách chế biến cá trích muối đặc biệt cho đêm giao thừa của người Ba Lan, được gọi là Sledzie Marynowane, được thực hiện bằng cách ngâm cả con cá trích muối trong nước suốt 24 giờ rồi xếp chúng vào lọ cùng với hành tây, hạt tiêu, đường và giấm trắng. Người Scandinavia thường ăn cá trích trong một bữa tiệc nửa đêm với cá hun khói ngâm, pate và thịt viên. (Ảnh: The Spruce Eats).
Tamales, Mexico: Món ăn từ bột ngô nhồi thịt, phô mai và các gia vị khác được gói trong lá chuối hoặc vỏ ngô, xuất hiện vào hầu hết dịp đặc biệt ở Mexico. Ở nhiều gia đình, các nhóm phụ nữ tập hợp lại với nhau để làm hàng trăm gói bánh nhỏ để mang tặng cho bạn bè, gia đình và hàng xóm. Vào những ngày đầu năm mới, nó thường được phục vụ với menudo, món súp lòng bò và hominy nổi tiếng dành cho những người say rượu. Những người sống ở các thành phố có đông dân cư người Mexico sẽ không gặp nhiều khó khăn khi tìm các nhà hàng bán tamales để đi ăn trong ngày và đêm giao thừa. Ở thành phố Mexico, món tamales hấp được bán hàng rong trên khắp các góc phố cả ngày lẫn đêm. (Ảnh: Food.com).