Cách chữa trị cho người bị bỏng lạnh

Bỏng lạnh là gì?
  •   42
  • 17.444

Bỏng lạnh là một trường hợp đặc biệt của bỏng, tuy không quá hiếm gặp nhưng lại rất ít người biết đến.

Bỏng lạnh (Frostbite) thường xảy ra ở những vùng có khi hậu khắc nghiệt, nhiệt độ thấp. Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, tuy nhiên, nhiều nơi ở miền Bắc đang trải qua thời điểm rét đậm, rét hại với nền nhiệt xuống dưới mức 0 độ C. Nếu không chăm sóc, giữ ấm cơ thể đúng cách, chúng ta rất dễ mắc các bệnh lý nguy hiểm.

Bỏng lạnh cũng giống như các loại bỏng khác tiềm ẩn rất nhiều mối nguy hiểm như gây phù nề dẫn đến tổn thương tế bào, vết thương bị hoại tử đặc biệt là trong môi trường bỏng lạnh quá lâu mà không được sơ cứu chữa trị người bệnh có thể dẫn đến co giật, thân nhiệt hạ thấp dẫn đến rối loạn ý thức thậm chí là tử vong.

Bỏng lạnh có những cấp độ nào?

Người bị bỏng lạnh cấp độ 2.
Người bị bỏng lạnh cấp độ 2.

Theo Mayo Clinic, bỏng lạnh là thuật ngữ y học chỉ chấn thương khi da và các mô bị đóng băng do tiếp xúc cái lạnh. Nó thường xảy ra ở các bộ phận cơ thể xa trung tâm như đầu chi, mũi, tai, cằm, má... Đầu tiên, da của bệnh nhân sẽ bị lạnh, đỏ, sau đó tê, cứng và nhợt nhạt. Tình trạng tê cóng cũng có thể xảy ra trên vùng da đã được trang bị găng tay hay quần áo.

Tương tự nước chuyển thành đá khi nhiệt độ giảm xuống thấp, ngón tay, bàn tay, ngón chân và bàn chân, thậm chí mũi, tai, cũng có thể bị đóng băng nếu tiếp xúc thời tiết quá lạnh hoặc khi bạn chạm vào vật gì đó rất lạnh (đá, kim loại). Những bộ phận như đầu tay, chân, mũi, tai, cằm, má, nằm xa khu vực trung tâm nên nó ngay lập tức bị ảnh hưởng do lưu lượng máu giảm.

Chúng ta cũng có thể bị bỏng lạnh nếu mặc không đủ ấm hoặc quần áo quá chật khiến máu không thể lưu thông tới các vị trí xa. Tình trạng tê cóng xảy ra sau bao lâu tùy thuộc mức độ lạnh và gió bên ngoài.

Business Insider dẫn thông tin cho thấy ở nhiệt độ -28,3 độ C, chúng ta tiếp xúc môi trường lạnh, gió trong 30 phút có thể gây bỏng lạnh. Ở môi trường -37,2 độ C, chỉ sau 10 phút tiếp xúc cái lạnh, bạn có thể gặp tình trạng bỏng, tổn thương da. Thậm chí, trong thời tiết lạnh khắc nghiệt, bỏng lạnh có thể xảy ra sau 5 phút.

Cũng như các loại bỏng khác, bỏng lạnh được chia làm nhiều cấp độ khác nhau từ nhẹ đến nặng:

  • Cấp độ 1: Đây là cấp độ nhẹ nhất, người bị bỏng vùng tổn thương sẽ có triệu chứng ngứa và đau, vùng da bị tổn thương có thể chuyển màu đỏ hoặc vàng và mất cảm giác tạm thời. Đây là cấp độ nhẹ nhất nên gần như không có nguy hiểm có người bỏng và mức độ phục hồi rất nhanh ngay sau sơ cứu.
  • Cấp độ 2: Ở cấp độ này vùng do tổn thương sẽ bị đông cứng lại, chỉ bị tổn thương các lớp da ngoài chưa ảnh hưởng đến các mô sâu vì vậy vẫn còn mềm. Ở mức độ này vùng da bỏng lạnh có thể xuất hiện các bọng nước, màu da trở thành màu đen và cứng, mức tổn thương này có thể khỏi sau 1 tháng hoặc mất cảm giác nóng lạnh vùng tổn thương.
  • Cấp độ 3,4: Đây là cấp độ nguy hiểm nhất và dễ dẫn đến tình trạng hoại tử. Tổn thương ở các cấp độ này là tổn thương toàn bộ, các mô sâu, cơ, máu, gân, các tế bảo thần kinh đều bị đông cứng hoặc chết. Màu da vùng tổn thương này chuyển dần sang màu đen và chứa đầy máu, tiến tới hoại tử. Đối với cấp độ này thông thường sẽ phải tháo cụt các chi hay cắt bỏ phần vùng bị hoại tử.

Sơ cứu và chữa bỏng lạnh

Không để bệnh nhân tiếp súc với lò sưởi, lửa tránh gây tổn thương thêm nặng nề.
Không để bệnh nhân tiếp súc với lò sưởi, lửa tránh gây tổn thương thêm nặng nề.

Phải nói nguyên nhân dẫn đến tình trạng bỏng lạnh là do nhiệt độ xuống thấp có thể đột ngột hoặc kéo dài, cơ thể hoặc một vùng cơ thể không chịu được nhiệt độ này nên dẫn đến tình trạng bỏng lạnh. Do vậy việc đầu tiên trong sơ cứu cho bệnh nhân chính là đưa người bệnh đến những nơi ấm áp càng nhanh càng tốt để tránh thân nhiệt tiếp tục hạ:

  • Nếu vùng lạnh là các chi ngay lập tức cách ly ra khỏi môi trường lạnh, ủ ấm bằng mọi cách cho chúng ấm lên.
  • Nếu quần áo của bệnh nhân bị ướt, ngay lập tức hãy cởi bỏ chúng ra vì nếu để bệnh nhân sẽ tiếp tục bị nhiễm lạnh, nhiệt độ cơ thể chắc chắn không thể tăng lên, sau đó tìm mọi cách cho thân thể bệnh nhân ấm lên như ủ ấm bằng chăn, tăng nhiệt độ môi trường...
  • Người bị bỏng lạnh cần được đến nơi ấm áp, điều này rất quan trọng nhằm loại bỏ nguy cơ hạ thân nhiệt, từ đó kích thích cơ thể tự điều chỉnh, ủ ấm hoặc làm ấm bệnh.

Sau đó, hãy ngâm các vùng tổn thương trong nước ấm 40- 42 độ C để làm ấm vùng tổn thương từ 10 đến 20 phút tuỳ theo mức độ bỏng, tuyệt đối, không được cho bệnh nhân tiếp xúc với lửa hay lò sưởi, vì có thể dẫn tới tổn thương nặng nề hơn do bị bỏng kép rất nguy hiểm.

Sau khi ngâm nước ấm, hãy để bệnh nhân nằm bất động hoặc băng kín bằng bông gạc vô trùng nhằm ngăn chặn tổn thương thêm do các tinh thể nước đá di chuyển gây tổn hại mô. Nếu bị bỏng lạnh ở tứ chi thì dùng các miếng đệm để ngăn cách các ngón tay, ngón chân để chúng không co sát vào nhau gây thêm đau đớn. Khi làm ấm phần bị bỏng lạnh, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa ran như nghìn ngọn lửa đang cháy trong người vậy. Các khu vực tê buốt sẽ chuyển sang hồng hoặc đỏ,trong trường hợp bỏng cấp 1 và 2 người bệnh sẽ dần dần lấy lại được cảm giác.

Cuối cùng hãy chuyển bệnh nhân đến bệnh viên gần nhất để được bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị.

Cách phòng tránh bỏng lạnh

V ề bản chất, bỏng lạnh thường là chấn thương dạng nhẹ, không gây tổn thương da vĩnh viễn. Bệnh nhân có thể điều trị bằng các biện pháp sơ cứu, làm ấm vùng da bị tổn thương. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng, tổn thương thần kinh, hoại tử nếu không được điều trị kịp thời.

Bỏng lạnh có thể dẫn đến các biến chứng như: Tăng nhạy cảm với lạnh; tăng nguy cơ bị tê cóng trở lại; tê cóng các vùng da tổn thương lâu dài; đổ nhiều mồ hôi; biến đổi màu da; thay đổi hoặc mất móng; cứng khớp; khuyết tật về tăng trưởng ở trẻ em; nhiễm trùng; uốn ván; hoại tử do dòng máu đến vùng da tổn thương bị gián đoạn, có thể dẫn tới phải cắt cụt chi; hạ thân nhiệt...

Mặc ấm, uống đủ nước là cách ngăn ngừa bỏng lạnh.
Mặc ấm, uống đủ nước là cách ngăn ngừa bỏng lạnh. (Ảnh: Freepik).

Những người thuộc nhóm sau đây có nguy cơ bị bỏng lạnh cao: Mặc quần áo không đủ ấm hoặc quá chật; ở ngoài trời lạnh, gió quá lâu; chạm vào các vật liệu như đá, túi lạnh hoặc kim loại đông lạnh.

Bạn có thể ngừa bỏng lạnh bằng cách giữ ấm cơ thể. Các bác sĩ khuyến cáo chúng ta nên hạn chế ra ngoài trong thời tiết lạnh, ẩm ướt hoặc gió. Trong mùa rét, bạn nên mặc nhiều lớp quần áo, các lớp không nên quá chật hay bó sát và phải đủ ấm. Chúng ta cũng nên đội mũ, quàng khăn, trang bị găng tay, tất chân để che tai, cổ, bàn tay, chân.

Nếu vùng da bị đỏ, nhợt nhạt, có cảm giác kim châm, tê..., bạn cần ủ ấm cơ thể càng sớm càng tốt. Khi đi ngoài trời lạnh, bạn cũng không nên uống rượu vì đồ uống có cồn làm cơ thể mất nhiệt nhanh hơn. Ngoài ra, chúng ta nên bổ sung các thực phẩm nóng, uống nhiều nước, liên tục di chuyển để máu lưu thông đều.

Bỏng lạnh có thể xáy ra ở mọi lứa tuổi. Đặc biệt là trong điều kiện thời tiết lạnh ở miền Bắc như hiện nay, vì vậy các bậc phụ huynh nên chú ý đến con em mình, giữ ấm cho trẻ vì trẻ là đối tượng dễ tổn thương do da nhạy cảm trước tác động của môi trường và hậu quả để lại thường rất nặng nề. Ngay khi thấy người có cảm giác lạnh, sung tấy đau buốt thì cần gặp chuyên khoa y tế ngay để tránh tình trạng tổn thương nặng nề, bệnh sẽ khó cứu chữa.

Cập nhật: 26/06/2024 Theo tribong/zing
  • 42
  • 17.444