Stephen Hawking đang ủng hộ kế hoạch gửi tàu vũ trụ nhỏ chỉ bằng chiếc iPhone tới một hệ sao khác chỉ trong vòng một thế hệ.
Chúng sẽ di chuyển hàng nghìn tỉ dặm, xa hơn bất cứ tàu vũ trụ nào trước đó.
Một chương trình nghiên cứu 100 triệu USD để phát triển những "tàu vũ trụ" với kích thước của chip máy tính được đề xuất bởi tỉ phú Yuri Milner, sau đó nhận được ủng hộ bởi người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg.
Du hành liên sao từ lâu đã là một giấc mơ của rất nhiều người, nhưng vẫn còn đó những rào cản công nghệ rõ rệt.
Cánh buồm mặt trời.
Nhưng Giáo sư Hawking đã nói với BBC News rằng giấc mơ đó có thể được thực hiện sớm hơn những gì ta nghĩ.
"Nếu ta muốn tồn tại như một giống loài, rõ ràng ta phải vươn tới những vì sao xa xôi hơn", ông nói.
Các nhà thiên văn học tin rằng vẫn có một cơ hội cho một hành tinh như Trái đất quay xung quanh một trong những ngôi sao [trong] hệ sao Alpha Centauri. Nhưng ta sẽ biết nhiều điều hơn thế trong hai thập kỷ tới từ những kinh thiên văn dưới mặt đất và trên vũ trụ.
"Sự phát triển công nghệ trong hai thập kỷ qua và tương lai sẽ khiến điều này thành hiện thực chỉ trong một thế hệ".
Giáo sư Hawking đang chống lưng cho một dự án từ Quỹ Đột phá của Milner, một tổ chức tư nhân tài trợ cho các nghiên cứu khoa học vốn bị những nhà tài trợ chính phủ cho rằng họ quá tham vọng.
Tổ chức này đã cùng một nhóm các chuyên gia khoa học đánh giá xem liệu việc phát triển một tàu vũ trụ có thể du hành tới những hệ sao khác chỉ trong một thế hệ và gửi lại thông tin là có khả thi hay không.
Hệ sao gần nhất cách chúng ta khoảng 40 nghìn tỉ km. Sử dụng công nghệ hiện nay sẽ mất khoảng 30.000 năm để tới được đó.
Nhóm chuyên gia kết luận rằng chỉ cần thêm một chút nghiên cứu và phát triển nữa, việc làm ra những tàu vũ trụ có thể giảm thời gian du hành xuống chỉ còn có 30 năm là hoàn toàn có thể.
"Thậm chí một vài năm trước tôi đã từng nói rằng du hành tới hệ sao khác với tốc độ như vậy là không tưởng", trích lời Tiến sĩ Pete Worden, người đang dẫn dẵt dự án này. Ông là chủ tịch của Quỹ Giải thưởng Đột phá và là cựu giám độc của Trung tâm nghiên cứu Ames của Nasa tại California.
Giáo sư Hawking nghĩ rằng du hành liên sao có thể chuyển mình từ giấc mơ thành hiện thực.
"Nhưng nhóm chuyên gia đã nhìn ra được một ý tưởng có thể khả thi chính bởi sự phát triển trong công nghệ".
Ý tưởng ở đây là việc giảm thiểu kích cỡ của tàu vũ trụ xuống chỉ bằng một con chip dùng trong những thiết bị điện tử. Hàng ngàn những tàu vũ trụ tí hon sẽ được phóng lên quỹ đạo Trái đất. Mỗi con tàu đều sẽ có một cánh buồm mặt trời.
Thứ này giống như một cánh buồm trên một con thuyền – nhưng được đẩy đi bằng ánh sáng chứ không phải bằng gió. Một tia laser khổng lồ từ Trái đất sẽ cung cấp lực đẩy mạnh mẽ, đưa chúng du hành và đạt tới tốc độ bằng 20% tốc độ ánh sáng.
Nghe có vẻ giống khoa học viễn tưởng nhưng Yuri Milner, người được cha mẹ đặt tên theo Yuri Gagarin, tin rằng về mặt kỹ thuật nó hoàn toàn khả thi để phát triển những tàu vũ trụ trên và đi tới những hệ sao khác chỉ trong vòng đời của chúng ta.
"Câu chuyện về nhân loại luôn là những bước nhảy vọt tuyệt vời", ông nói. "Năm mươi lăm năm trước, Yuri Gagarin đã trở thành con người đầu tiên bay lên vũ trụ. Giờ đây, chúng ta đang chuẩn bị cho bước nhảy vọt tiếp theo – tới những vì sao".
Vẫn có rất nhiều vấn đề cần phải vượt qua trước khi những tàu vũ trụ đầu tiên có khả năng du hành liên sao được dựng lên.
Chúng sẽ bao gồm những camera tí hon, thiết bị và cảm biến để có thể nhét vừa một con chip, phát triển một cánh buồm mặt trời đủ vững chắc để có thể chịu được một tia laser cực mạnh qua hàng phút và tìm ra cách để gửi được hình ảnh và thông tin của hệ sao mới tới Trái đất.
Giáo sư Sir Martin Sweeting, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Vũ trụ Surrey và người đứng đầu của Surrey Satellite Technology tại Guildford, mong muốn được tham gia vào dự án này.
30 năm trước ông đã sáng lập ra một công ty khiến cho giá thành và kích cỡ của vệ tinh được giảm xuống.
"Rất nhiều điều mà chúng tôi đã làm trong thập kỷ 1980 được cho là rất lập dị nhưng giờ đây những vệ tinh nhỏ bé mới là thịnh hành. Dự án này (dự án tới hệ sao khác) hiện giờ cũng là một ý tưởng nghe có vẻ điên rồ nhưng công nghệ vẫn luôn phát triển và giờ đây nó không hề điên rồ chút nào, chỉ đơn giản là những khó khăn", ông nói.
Tàu Voyager 1 vẫn đang là vật thể do con người làm ra du hành quãng đường xa nhất từ Trái đất.
Giáo sư Andrew Coates của Phòng thí nghiệm Khoa học Không gian Mullard, vốn thuộc Đại học London, đồng ý rằng dự án này sẽ có những thử thách, nhưng không hề bất khả thi.
"Sẽ có những khó khăn rõ rệt để giải quyết những vấn đề như bức xạ vũ trụ và bụi từ ngoài môi trường, độ nhạy của thiết bị, tương tác của laser công suất cao với khí quyển Trái đất, độ ổn định của tàu và cung cấp năng lượng".
"Nhưng đây là một ý tưởng đáng xem xét để nhìn xem liệu ta thực sự có thể đi tới những hệ sao khác chỉ trong vòng đời của loài người".
Nhưng giáo sư Hawking tin rằng những gì từng là một giấc mơ viển vông có thể và bắt buộc phải trở thành hiện thực chỉ trong 30 năm.
"Chẳng có thứ gì đáng khao khát hơn những vì sao. Chẳng khôn ngoan chút nào khi giữ toàn bộ những quả trứng của chúng ta trong một chiếc giỏ mong manh", ông nói.
"Sự sống trên Trái Đất sẽ đối mặt với hiểm nguy từ những sự kiện thiên văn như tiểu hành tinh hay sao băng".