Cách ngừa Covid-19 hàng đầu từng là nghi lễ quý tộc thời Trung cổ

  •  
  • 185

Ngày nay, rửa tay đã trở thành thói quen sinh hoạt quan trọng nhất đối với người dân toàn cầu. Ngay từ giai đoạn đầu của dịch Covid-19, trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến cáo mọi người nên chú trọng vệ sinh tay thật kỹ theo đúng hướng dẫn để phòng ngừa dịch bệnh. Từ đó, việc chà tay và rửa kỹ với xà phòng trong 20 giây trở thành một nghi lễ thiết yếu để loại trừ virus SARS-CoV-2.

Nhưng ít ai biết hành động giữ vệ sinh đơn giản này vốn là một trong những nghi thức quan trọng của tầng lớp quý tộc và những người có thể lực ở châu Âu thời Trung cổ.


Rửa tay vốn là nghi thức của tầng lớp quý tộc và những người có thể lực ở châu Âu thời Trung cổ. (Ảnh: Getty Images)

Con người thời Trung cổ thường bị cho là thiếu ý thức vệ sinh cá nhân, nhưng thực tế thì ngược lại hoàn toàn.

Các vị vua và nông dân thời đó đều tắm rửa sạch sẽ trước và sau bữa ăn. Hơn nữa, do dao kéo đều là đồ vật hiếm có và hầu hết mọi người ăn bằng tay nên việc giữ tay sạch sẽ trước khi ăn là rất cần thiết, đồng thời cũng biểu hiện sự tôn trọng đối với người chiêu đãi bữa ăn.

"Hãy giữ các ngón sạch sẽ và móng tay được cắt tỉa cậrn thận”, trích Les Contenances de Table, văn bản thời trung cổ về ăn hóa cư xử trên bàn ăn.

Dần dần, việc rửa tay phát triển thành nghi lễ thể hiện quyền lực và sự giàu có của giới quý tộc, cách rửa tay cũng được coi là “dấu hiệu của sự lịch sự”.

Giới quý tộc và tăng lữ thời Trung cổ đã đưa việc rửa tay và rửa mặt lên một tầm cao mới. Thậm chí hành động này còn được các vị vua châu Âu cổ tổ chức một cách trang nghiêm, với nghiều công đoạn phức tạp. Khi các ông hoàng có khách, họ sẽ mời khách thưởng thức âm nhạc và mời đối tượng rửa tay với những bồn rửa sang trọng, khăn trắng cao cấp mới tinh và nước thơm. Một đội người hầu sẽ túc trực xung quanh để hỗ trợ khách rửa tay.

Riêng phụ nữ phải rửa tay trước khi tới bữa tiệc, do thời xưa có quan niệm chỉ những người con gái có phẩm giá cao quý và trong sạch mới có thể chạm vào vải trắng mà không để lại một hạt bụi bẩn nào.

Sau khi khách khứa đã yên vị trong đại sảnh, nhà vua mới bước vào và rửa tay trước sự chứng kiến của toàn bộ khách mời. Chỉ sau khi nhà vua xong việc, những người khác mới được ngồi xuống.

Theo bà Amanda Mikolic, trợ lý giám tuyển của Khoa Nghệ thuật Trung cổ tại Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland ở Ohio, việc các vị vua rửa tay trước mặt khách là một cách phô trương quyền lực hoàng gia. “Đó là trò chơi vương quyền nhằm nhắc nhở (khách tham dự) rằng ai mới là người nắm giữ quyền lực”, bà Mikolic nói.


Lavabo - dụng cụ đựng nước thơm rửa tay của châu Âu thời Trung cổ. (Ảnh: Getty Images)
Nghi lễ phô trương

Mọi nghi lễ công phu đều cần có những công cụ phô trương, trong trường hợp này, việc rửa tay nhất định phải có xà phòng.

Từ xa xưa, những người lính Thập tự chinh đã mang loại xà phòng Aleppo sang trọng làm từ dầu ô liu và nguyệt quế đến châu Âu. Chẳng bao lâu sau, người Pháp, người Ý, người Tây Ban Nha và cuối cùng là người Anh đều bắt đầu làm ra phiên bản xà phòng Aleppo của riêng họ bằng dầu ô liu địa phương thay vì loại mỡ động vật nặng mùi của nhiều thế kỷ trước. Có lẽ nổi tiếng nhất trong số những loại xà phòng ở châu Âu thời đó là xà phòng Castile của Tây Ban Nha. Ngày nay, loại xà phòng này vẫn được sản xuất và được ưa dùng trên khắp thế giới.

Cùng với xà phòng, bình đựng nước cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong nghi lễ rửa tay của giới quý tộc châu Âu thời Trung cổ. Những chiếc bình này thường được trang trí vô cùng công phu và đựng nước ấm hòa dầu thơm. Một phiên bản khác của dụng cụ này là lavabo – đồ vật có hình dạng như chiếc bát có vòi.

Tại những hộ gia đình giàu có bậc nhất, người hầu sẽ rưới nước thơm lên tay các chủ nhân trước bữa ăn.

Vai trò của bình đựng nước được đánh giá cao đến mức nữ hoàng Jeanne d'Évreux của nước Pháp, vợ vua Charles IV, đã trưng bày một chiếc bình tại nơi đặt những món đồ trang trí quý giá mà mà bà yêu thích.

Sau này, việc rửa tay dần dần không còn được coi trọng như xưa. Nhiều học giả nghiên cứu lịch sử đã đổ lỗi cho cái nĩa khiến con người coi thường việc vệ sinh tay trước khi ăn. Phải đến thế kỷ 18, dụng cụ này mới được sử dụng phổ biến trong các bữa ăn.

“Toàn bộ bản chất nghi lễ xung quanh việc rửa tay bắt đầu mờ nhạt khi vai trò của bộ dụng cụ ăn (dao, nĩa) trở nên nổi bật hơn. Các hộ gia đình bắt đầu chuẩn bị bộ dụng cụ ăn cho khách, và rồi con người có thể ăn mà chẳng cần tháo găng tay”, bà Mikolic cho biết.


Nhưng ngày nay, dù những chiếc bình đựng nước trang trí cầu kỳ và lavabo đã lỗi mốt, cách rửa tay vẫn có thể thể hiện sự giàu có của một người.

Vẫn còn quá sớm để khẳng định những nghi lễ của thời kỳ đại dịch sẽ gắn bó với con người lâu dài. Nhưng ngày nay, dù những chiếc bình đựng nước trang trí cầu kỳ và lavabo đã lỗi mốt, cách rửa tay vẫn có thể thể hiện sự giàu có của một người: qua những chiếc bồn rửa bằng kim loại vẽ tay, xà phòng đắt tiền làm từ tinh dầu cho đến khăn bông Ai Cập sang trọng,… Các nghi thức sang trọng xung quanh việc rửa tay vẫn không ngừng được sáng tạo, phát triển.

“Mỗi khi sử dụng xà phòng, tôi lại được gợi nhớ về nước thơm thời Trung cổ”, bà Mikolic chia sẻ.

Cập nhật: 27/05/2021 Theo VTC
  • 185