Viện sinh học biển Murmansk đã phát triển một dự án độc đáo để làm sạch các khu vực tràn dầu trên biển, theo thông cáo báo chí ngày 7/5 của Viện.
Được biết, các nhà khoa học của Viện phải mất 3 năm để xác định được bộ lọc tự nhiên tốt nhất này. Đó chính là loài tảo Fucus, luôn có nhiều ở vùng biển Bắc cực.
Trên 1 ha mặt biển, các sinh vật này có thể loại bỏ tới 100kg sản phẩm dầu mỏ trong 15 ngày.
Tảo Fucus Vesiculosus (còn gọi là rong Nho biển).
Công nghệ này tiên tiến và linh hoạt hơn nhiều so với biện pháp thu gom dầu thông thường từ bề mặt nước, đồng thời nó cũng an toàn hơn cho môi trường.
Những thí nghiệm đầu tiên đã được tiến hành tại cảng biển Murmansk và tại kho dầu Biển Trắng.
Tảo, được làm giàu trước với hỗn hợp vi khuẩn giúp tăng cường phản ứng sinh học, sẽ “ăn” hết dầu tràn mà không để lại cặn.
Các nhà khoa học có kế hoạch tiếp tục phát triển công nghệ và ứng dụng nó ở những nơi môi trường bị ô nhiễm nặng.
Dự án được phát triển với chi phí bằng tiền từ ngân sách, vì vậy công nghệ chủ yếu thuộc sở hữu của nhà nước và được coi là đề án mở cho tất cả mọi người sử dụng miễn phí.
Fucus cùng với các loài tảo nâu khác thường được sử dụng trong khoa thẩm mỹ, dùng để chế mặt nạ dưỡng da.
Fucus cũng thường được sử dụng làm phụ gia cho thực phẩm. Loài tảo này cung cấp cho cơ thể con người các vitamin, axit amin, axit béo không bão hòa. Ngoài ra, chúng có chứa thành phần Fucoidan, có đặc tính chống vi rút, chống ung thư, điều hòa miễn dịch.
Fucus (sồi biển, rong vua, nho biển) là một chi của tảo nâu. Các đại diện của chi loài này được tìm thấy trong các vùng cận duyên (littoral) và bán cận duyên (sublittoral) gần như trên toàn thế giới. Các nhà khoa học dựa vào sự hiện diện của Fucus để xác định diện mạo bề mặt nhiều đá của vùng cận duyên Biển Bắc. Fucus được khai thác và chế biến trong Nhà máy Tảo Thực nghiệm Arkhangelsk Biển Trắng.