Cách phòng ngừa rận mu - Loài côn trùng bám chặt ở "vùng kín"

  •   3,730
  • 107.946

Rận mu có đặc tính dễ lây lan nên người có biểu hiện nhiễm cần tránh gần gũi bạn tình trong giai đoạn điều trị hoặc sử dụng bao cao su khi quan hệ.

Rận mu là gì?

Rận mu hay còn gọi là rận lông mu, rận cua, chấy cua, rận bẹn là một loài rận thuộc côn trùng hút máu không có cánh sống và sinh sản ở vùng lông mu của con người như vùng da lông mu. Rận mu có kích thước rất nhỏ, khoảng 0,8-1,2mm. Rận mu xuất hiện ở vùng sinh dục của cả nam và nữ. Tuy nhiên, rận mu còn có thể lây lan sang các khu vực khác có lông thô trên cơ thể, bao gồm: chân, ngực, nách, râu hoặc ria mép, lông mi hoặc lông mày (phổ biến hơn ở trẻ em) và rất ít gặp ở tóc.

Rận mu không gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến chất lượng sống. Sau khoảng 5-6 ngày bị nhiễm, cơ thể sẽ phát sinh cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở cơ quan sinh dục. Mức độ ngứa càng trở nên nghiêm trọng hơn vào buổi tối, ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh có thể đi kèm biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi. Một vài trường hợp còn thấy những nốt màu xanh xuất hiện trên vùng da lông mu. Đây là vị trí rận mu cắn và hút máu vật chủ.

Phát hiện rận lông mu trú ngụ trên cơ thể người

Anh Trần Đình H. (nam, 19 tuổi, ở Q.Tây Hồ, Hà Nội) là một nạn nhân của loại rận mu này. Suốt 3 tuần liên tục, anh H. bị ngứa “vùng kín”, khi anh đi khám còn mang theo hai con rận nhỏ đựng trong lọ thủy tinh. Sau khi kiểm tra, các bác sĩ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, cho biết hai con côn trùng này đúng là rận bẹn.

Trường hợp khác là ông Nguyễn Văn T. (45 tuổi, ở Q.Hà Đông, Hà Nội) đến điều trị trong tình trạng lông ở “vùng kín” đã được cạo sạch, nhưng vẫn bị ngứa và gãi suốt về đêm. Thậm chí, ông còn làm lây bệnh sang vợ. Ông T. cũng bắt được hai con rận đưa đến cho bác sĩ.

Không chỉ ký sinh ở người lớn, rận bẹn còn có thể ngụ trên cơ thể trẻ em. Đó trường hợp bệnh nhi T.V.A (5 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội), vào viện trong tình trạng một bên mi mắt bị rận ký sinh gây đau, ngứa khó chịu. Rận bám sát vào chân mi mắt, khiến bờ mi của cháu nổi cộm. “Chỉ trên một bên mi mắt mà mẹ của cháu bé bắt được gần 20 con rận bẹn"!

Cách phòng ngừa rận mu - Loài côn trùng bám chặt ở "vùng kín"
Rận mu thường sống ở các khu vực kín, tối, ẩm ướt… như ở lông bẹn lông mi, lông mày và kể cả tóc. (Ảnh minh họa)

Loài côn trùng hút máu người

Theo Bác sĩ chuyên khoa 1 Đặng Văn Nguyên, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, rận mu có tên khoa học Pthirus pubis là một loài côn trùng, thường ký sinh và gây bệnh ở con người. Nó thường sống ở các khu vực kín, tối, ẩm ướt… như ở lông bẹn, lông mi, lông mày và kể cả tóc. Đặc điểm loài côn trùng này sau khi ký sinh trên người là có tốc độ đẻ trứng rất nhanh. Chúng không có cánh, hình thù giống con cua thân trắng, màu giống với màu da của con người và rận này có khả năng đổi màu. Loại côn trùng này thường ký sinh và hút máu cơ thể người, hút nhiều lần trong ngày, sau khi hút máu thường để lại những vết thâm đen và chai cứng…

Những người bị loại côn trùng này đốt thường có triệu chứng ngứa ngáy liên tục hoặc có những cơn ngứa dữ dội, xuất hiện những chấm nhỏ màu xám hoặc đen ở các khu vực có lông, nhất là vùng lông ở bẹn, tóc, chân mày, lông mi mắt… Rận mu nằm sâu trong lỗ chân lông chúng bám chặt vào da người làm cho người bị đốt khó phát hiện ra khi ngứa mà chỉ nghĩ đến bệnh ngứa ngoài da khác.

Khi ngứa ngáy dữ dội, người bệnh sẽ khiến mọi người gãi mạnh liên tục, khiến các vùng da bị xây xước, tổn thương, thậm chí dẫn đến viêm loét da, viêm nang lông, mụn, mủ, viêm da… Đặc biệt hơn các trường hợp nặng còn bị sốt, suy nhược cơ thể, thường xuyên mệt mỏi… Nếu không được điều trị kịp thời, rận mu có thể lây lan sang rất nhiều vùng khác trên cơ thể và lây truyền từ người sang người qua đường tình dục. Không chỉ gây bất tiện, làm ảnh hưởng đến các sinh hoạt hàng ngày, mà căn bệnh này còn dễ khiến người bệnh mắc các bệnh khác liên quan như những bệnh về da, bệnh vùng kín, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với cơ thể, đe dọa cả khả năng sinh sản.

Cách phòng ngừa rận mu - Loài côn trùng bám chặt ở "vùng kín"
Hình ảnh một loại rận lông mu. (Ảnh minh họa)

Phòng bệnh bằng cách giữ gìn lối sống lành mạnh

Theo Bác sĩ Nguyên, rận mu lây từ người sang người, qua các vật trung gian như quần áo ở các nếp áo, kẽ áo, giường, chiếu, chăn màn kể cả các giường chiếu ở các nhà trọ và phòng nghỉ là nơi rận mu trú ẩn nhất nhiều… nếu người đang bị loại kí sinh trùng này ngủ chung và tiếp xúc quan hệ tình dục với nhau thì rất dễ bị lây loại côn trùng này.

Khi bị bệnh do rận mu gây bạn cần điều trị bằng DEP để diệt rận. Có thể diệt rận mu bằng cách dùng bông gòn, thấm dầu hoả (hay còn gọi là dầu hôi) chà lên toàn bộ khu vực có rận mu và để 30 phút sau, rận mu và trứng rận mu sẽ bị tiêu diệt và rửa lại bằng nước sạch.

Đặc biệt không sử dụng chung quần áo, đặc biệt đồ lót, quần áo với những người bị bệnh…

Cần giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ nhất là những bộ phận rận mu thường trú ẩn ở các “vùng kín”.

Cần phun ngâm tẩy chăn, màn, giường, chiếu bằng thuốc Pyrethrin vì thế cần vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), có thể dùng thuốc bôi chứa 1% permethrin hoặc chứa dược phẩm gốc pyrethrin và piperonyl butoxide, không nên dùng dầu gội gốc lindane ngay từ đầu, vì nó độc hại đối với não và các phần khác của hệ thần kinh trung ương. Chỉ sử dụng loại này nếu các phương pháp điều trị khác thất bại, nhưng tránh áp dụng cho trẻ em. Một điều thú vị là ở các nước phương Tây, rận mu đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vì xu hướng tẩy lông vùng kín.

Vì thế khi có biểu hiện ngứa ngáy, viêm da ở các vùng lông ở trên cơ thể bạn cần nên đi khám để xác định xem nguyên nhân có phải từ rận mu gây ra hay không.

Cập nhật: 14/06/2024 Theo Trí Thức Trẻ/VNE
  • 3,730
  • 107.946