Hiệp hội AIDS Quốc tế kêu gọi phát triển thuốc chống vi khuẩn kháng thuốc dành riêng cho trẻ em, để vừa nâng cao hiệu quả điều trị, vừa tránh cho trẻ những tác dụng phụ nguy hiểm do thuốc dành cho người lớn gây ra.
Ngày 25/7, tại phiên bế mạc của hội nghị quốc tế về HIV/AIDS được tổ chức tại Sydney, Úc, tiến sĩ Pedro Cahn, Chủ tịch Hiệp hội AIDS Quốc tế, phát biểu: “Chúng ta phải hành động nhiều hơn để bảo vệ tương lai của thế giới, phải tìm ra những cách tốt nhất để điều trị cho những thành viên nhỏ nhất trong xã hội chúng ta…”.
Chỉ 15% trẻ nhiễm HIV được điều trị
Theo ước tính, thế giới hiện có khoảng 2,3 triệu trẻ em nhiễm HIV, và mỗi năm có đến 600.000 ca nhiễm mới. Nếu không được điều trị thì khoảng phân nửa số trẻ này sẽ tử vong trước khi biết đến sinh nhật lần thứ 2.
Hiện chỉ có 15% trẻ em nhiễm HIV được đáp ứng nhu cầu điều trị bằng các loại thuốc chống vi khuẩn kháng thuốc. (Ảnh: Chinaontv) |
Tiến sĩ Annette Sohn, thuộc Khoa Bệnh Truyền nhiễm trẻ em thuộc trường Đại học California, ở San Francisco, Hoa Kỳ, nói: “Mục tiêu của điều trị HIV/AIDS ở trẻ em phải là cân đối giữa việc ngăn chặn việc lây nhiễm HIV và những hậu quả dài hạn của thuốc chống vi khuẩn kháng thuốc ở trẻ em”.
Theo tiến sĩ Sohn, trẻ em nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc chống vi khuẩn kháng thuốc hiện nay có nguy cơ bị suy giảm thần kinh nhận thức, giảm mật độ xương và mắc bệnh ở não – cụ thể là não bị phù và các tế bào não bị thương tổn dần qua thời gian.
Mặc dù trẻ nhiễm HIV được điều trị sớm sẽ tăng tỉ lệ sống sót, nhưng bà Sohn cho rằng điều đó cũng gặp nhiều khó khăn do vi rút HIV nhanh chóng tạo ra khả năng kháng thuốc.
Cần có công thức thuốc riêng cho trẻ em
Những trẻ em may mắn được điều trị HIV thường được cấp thuốc chống vi khuẩn kháng thuốc được bào chế dành cho người lớn. Thuốc này được cắt ra từng phần nhỏ để dùng cho trẻ nên khó đảm bảo sự chính xác về liều lượng và do đó, có thể dẫn đến sự thất bại trong điều trị.
Vì lẽ đó, tiến sĩ Sohn cho rằng cần phải có thuốc chống vi khuẩn kháng thuốc dành riêng cho trẻ em và thuốc đó phải được vận chuyển, bảo quản và sử dụng với chi phí rẻ.
Bà nói: “Hiện nay, hầu hết các nước trên thế giới đều phải phân thuốc của người lớn ra từng liều nhỏ để dùng cho trẻ em. Điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ dùng thuốc không đủ liều hoặc quá liều”.
Bà nhấn mạnh: “Cần phải có công thức thuốc dành riêng cho trẻ em. Trẻ em đang cần nhiều loại thuốc khác nhau để có thể sử dụng kết hợp 2 hay 3 loại cùng một lúc”.
Hội nghị kéo dài 3 ngày nói trên – với sự tham gia của khoảng 5.000 đại biểu của hơn 130 nước trên thế giới – đã ra tuyên bố Sydney kêu gọi chính phủ các nước dành 10% ngân sách để đầu tư cho việc nghiên cứu và điều trị HIV/AIDS, nhằm bảo đảm rằng những người nghèo nhất trên thế giới vẫn được điều trị khi chẳng may bị nhiễm HIV.
Quang Thịnh