Cảnh tượng hơn 150 tấn sứa biển phá hủy nhà máy điện ở Trung Quốc

  •  
  • 158

Đàn sứa bất ngờ tràn vào đã làm quá tải hệ thống làm mát, buộc công nhân nhà máy phải làm việc suốt ngày đêm để thông tắc và dọn dẹp đống hỗn độn.

Trong suốt 10 ngày đêm vào tháng 9, các công nhân tại nhà máy điện chạy bằng than lớn nhất miền Đông Trung Quốc đã phải chiến đấu với "kẻ xâm lược chưa từng thấy trước đây": một đàn sứa biển.

Tại nhà máy điện Zheneng Jiaxing ở tỉnh Chiết Giang, các nhóm làm việc theo ca luân phiên, khẩn trương dọn sạch hàng triệu con sứa đang tràn vào hệ thống làm mát của nhà máy, đe dọa làm đình trệ hoạt động.

Ngay cả sau khi hơn 150 tấn sứa đã được dọn sạch khỏi nhà máy - một khối lượng quá lớn đối với cơ quan vệ sinh địa phương - thì những con sứa vẫn không có dấu hiệu dừng lại.

Các túi sứa tiếp tục chất đống, tỏa ra mùi hôi thối nồng nặc. Trong khi đó, công nhân phải lấy sứa ra khỏi lưới lọc bằng tay, từng con một, khiến công việc chậm chạp và khó khăn.

"Trong lịch sử 30 năm của nhà máy, chúng tôi chưa bao giờ gặp phải điều gì như thế này", Xi Chao, phó giám đốc bộ phận bảo trì của nhà máy, nói với đài truyền hình CCTV vào ngày 29/9.

Sứa biển, loài được gọi là Rhopilema esculentum, vốn là món ăn được yêu thích ở Trung Quốc có từ thời nhà Đường (618-907). Năm nay, loài này đã chứng kiến điều mà phương tiện truyền thông trong nước mô tả là "vụ thu hoạch chưa từng có trong nhiều thập kỷ" dọc theo các vùng ven biển của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đối với nhà máy điện Zheneng Jiaxing, sự gia tăng này không phải là tin tốt lành.

Ngày 18/9, một lượng lớn sứa biến tràn vào đã tràn ngập trạm bơm tuần hoàn của nhà máy, nơi hút nước biển vào để làm mát máy phát điện. Sứa bám chặt vào các bộ lọc đang quay, làm tắc nghẽn đường ống nạp và gây quá tải cho bộ lọc, cuối cùng là tắt máy phát điện.

Vấn đề không chỉ giới hạn ở nhà máy này. Hồi tháng 8, hai nhà máy điện ở Thượng Hải lân cận cũng phải đối mặt với tình trạng sứa xâm nhập tương tự. Và thậm chí trên toàn cầu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Vương quốc Anh cũng phải đối mặt với tình trạng gián đoạn như vậy trong ba thập kỷ qua.

Các chuyên gia khẳng định rằng sứa gia tăng số lượng là dấu hiệu của những thay đổi môi trường toàn cầu rộng lớn hơn. Các yếu tố như phú dưỡng nước biển - dư thừa chất dinh dưỡng gây ra "tảo nở hoa" (hiện tượng tảo tăng số lượng) và điều kiện oxy thấp có lợi cho sứa - và đánh bắt quá mức, làm giảm sự cạnh tranh giữa các loài, đã cho phép những sinh vật này phát triển mạnh, gây ra sự tàn phá trên toàn thế giới.

"Sao không ăn chúng luôn đi?"

Tin tức về cuộc khủng hoảng sứa tại nhà máy điện Zheneng Jiaxing nhanh chóng gây chấn động trên mạng xã hội, thu hút hơn 41,69 triệu lượt xem trên nền tảng Weibo.

"Sao không ăn chúng luôn đi?", nhiều cư dân mạng tò mò nói đùa, ám chỉ đến lịch sử lâu đời của loài sứa R. esculentum như một món ngon được ưa chuộng ở Trung Quốc.

Theo truyền thống, loài này được chế biến thành món salad sứa, là món ăn chính trong các hộ gia đình Trung Quốc trong hơn 1.000 năm. Trớ trêu thay, về mặt lý thuyết, lượng sứa được thu gom từ nhà máy điện có thể sản xuất ít nhất 300.000 suất ăn, nếu không phải chất đống trong các túi rác.

 Sứa biển tấn công nhà máy điện ở Chiết Giang, Trung Quốc.
Sứa biển tấn công nhà máy điện ở Chiết Giang, Trung Quốc.

Từng được coi là biểu tượng của sự sung túc, loài sứa này hiện đã trở thành đại diện của sự phá hủy.

"Trước đây, nếu chúng ta thấy sự gia tăng của loài sứa R. esculentum, thì đó không phải là thảm họa, mà là vụ mùa bội thu", Sun Song, cựu giám đốc Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, nói với Sixth Tone. "Tuy nhiên, lần này, chúng đã làm tắc nghẽn nhà máy điện, gây ra một cuộc khủng hoảng".

Sứa từ lâu đã được coi trọng ở Trung Quốc vì tác dụng giải độc, giảm đau và chống viêm. Năm 1984, khi phải đối mặt với tình trạng suy giảm quần thể sứa do đánh bắt quá mức, Trung Quốc thậm chí đã thực hiện các bước để bổ sung nguồn dự trữ và tăng sản lượng thu hoạch bằng cách thả sứa con đã nuôi cấy.

Tuy nhiên, ông Xi, phó giám đốc nhà máy, giải thích với Southern Metropolis Daily rằng họ không chắc chắn liệu loài sứa làm tắc nghẽn nhà máy có ăn được hoàn toàn hay không, do đó không thể bán chúng cho công chúng.

Theo Sun, bên cạnh loài có thể ăn được, bờ biển Trung Quốc thường thấy sự phát triển mạnh của hai loài khác - Aurelia aurita và Cyanea. Không giống như loài sứa được săn đón, những loài này không có giá trị ẩm thực và thường được coi là loài xâm lấn hoặc gây phiền toái.

Loài phá hủy

Trong vài thập kỷ qua, sự bùng nổ của sứa đã trở thành thách thức toàn cầu, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các nhà máy điện trên toàn thế giới.

"Trên thực tế, mọi nhà máy điện trên thế giới đều từng bị sứa tấn công vào một thời điểm nào đó; đây là vấn đề toàn cầu", Sun, người đã nghiên cứu loài này từ năm 2005, giải thích.

Ông nhấn mạnh rằng các nhà máy điện hạt nhân đặc biệt dễ bị tổn thương. Không giống như các nhà máy điện than, có thể dừng hoạt động nhanh chóng, các lò phản ứng hạt nhân đòi hỏi một quá trình tắt dần. Nếu sứa làm tắc các đường ống nạp và nước làm mát bị mất, các lò phản ứng phải đối mặt với nguy cơ quá nhiệt nguy hiểm, có khả năng dẫn đến các vụ nổ thảm khốc.

Vì các nhà máy điện thường được xây dựng gần vùng nước ven biển để tiếp cận nguồn nước làm mát nên chúng đặc biệt dễ bị xâm nhập bởi nước biển. Lỗ hổng này đã xảy ra nhiều lần.

 Sứa biển phát triển mạnh đe dọa các nhà máy điện ven biển trên toàn thế giới.
Sứa biển phát triển mạnh đe dọa các nhà máy điện ven biển trên toàn thế giới.

Tháng 6/2011, nhà máy điện hạt nhân Shimane của Nhật Bản đã buộc phải xử lý tình trạng tắc nghẽn do sứa. Tiếp theo là nhà máy điện hạt nhân Torness của Scotland, nơi đã gặp phải một sự cố lớn khác vào tháng 10/2021.

Năm 2013, một trong những lò phản ứng hạt nhân lớn nhất thế giới, nhà máy điện hạt nhân Oskarshamn của Thụy Điển, đã phải đóng cửa do hệ thống làm mát bị sứa làm tắc nghẽn, tương tự như một nhà máy điện ở Israel vào năm 2019.

Ngoài các nhà máy điện, sự phát triển của sứa cũng có thể làm gián đoạn đáng kể hoạt động du lịch, thường làm hỏng các bờ biển đẹp như tranh vẽ. Dọc theo French Riviera nổi tiếng, các vụ sứa đốt đã trở thành mối lo ngại thường xuyên vào mùa hè, ngay cả khi đã lắp đặt lưới chống sứa trị giá 84.500 USD. Chỉ riêng trong mùa hè năm ngoái, Hàn Quốc đã ghi nhận khoảng 2.900 vụ sứa đốt.

Nghiên cứu năm 2023 cho thấy nguy cơ từ sứa đã tăng đều đặn trong 6 thập kỷ qua, từ những năm 1960 đến những năm 2010. Nghiên cứu phát hiện ra rằng sứa thường sinh sôi ở các vịnh và vùng biển nửa kín.

Các nghiên cứu khác cho thấy rằng quần thể sứa không tăng liên tục nhưng có thể theo chu kỳ khoảng 20 năm - lý thuyết cần thêm dữ liệu để xác nhận.

Giải pháp

Sứa phát triển mạnh ở nơi mà các loài sinh vật biển khác yếu thế do khả năng phục hồi vô song của chúng trong môi trường khắc nghiệt.

"Ưu thế cạnh tranh lớn nhất của sứa nằm ở khả năng phục hồi trong môi trường khắc nghiệt. Về cơ bản, chúng là loài cơ hội", Sun, cựu thành viên Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết, đồng thời nói thêm rằng Craspedacusta sowerbii hay sứa hoa đào - loài đã tồn tại trong 550 triệu năm và sống sót qua nhiều cuộc tuyệt chủng hàng loạt - là ví dụ điển hình cho khả năng thích nghi của chúng.

Theo nghiên cứu năm 2009 lần đầu tiên thu hút sự chú ý của toàn cầu về sự gia tăng của tình trạng "sứa nở hoa", khả năng phục hồi như vậy cho phép sứa hưởng lợi từ tình trạng đánh bắt quá mức và chất dinh dưỡng dư thừa từ phân bón và nước thải.

Sun nói với Sixth Tone rằng cả sứa và cá đều dựa vào sinh vật phù du để làm thức ăn, nhưng đánh bắt quá mức làm cạn kiệt nguồn cá, tạo cơ hội cho sứa thống trị hệ sinh thái. Nồng độ nitơ và phốt pho tăng cao do phú dưỡng có thể dẫn đến tảo nở hoa và cạn kiệt oxy - những điều kiện cản trở sự sống còn của cá nhưng lại có lợi cho sứa có khả năng phục hồi tốt hơn.

 Các giải pháp phòng ngừa sứa bùng nổ và tấn công vẫn chưa hiệu quả
Các giải pháp phòng ngừa sứa bùng nổ và tấn công nhà máy điện trên toàn thế giới chưa thực sự hiệu quả.

"Sứa thậm chí có thể ăn trứng cá và cá con. Khi những đợt nở hoa lớn xảy ra, chúng sẽ chiếm hết ngư trường, khiến các sinh vật khác khó phục hồi", Sun nói.

Năm 2015, một đợt bùng phát sứa Nomura ở Nhật Bản, mỗi con nặng tới 200 kg, đã khiến sản lượng đánh bắt cá bẹt giảm 60%.

Sứa cũng có vòng đời độc đáo. Trước khi trở thành loài sứa trôi nổi tự do, chúng tồn tại dưới dạng các polyp bám vào đáy biển. Những polyp này có thể nằm im trong nhiều năm, sinh sản vô tính cho đến khi điều kiện nước thuận lợi kích hoạt sự bùng nổ số lượng đột ngột, Sun nói thêm.

Sun nhấn mạnh rằng sự bùng nổ của sứa thường không bị phát hiện cho đến khi chúng tấn công, khiến các lựa chọn can thiệp trở nên hạn chế khi vấn đề xuất hiện. Ông giải thích: “Điều này tương tự như phòng ngừa cháy rừng. Các nhà khoa học có thể cho bạn biết lý do nó xảy ra - có thể là do điều kiện khô hạn hoặc tia lửa lạc. Nhưng một khi đám cháy bùng phát, các chuyên gia không thể làm gì nhiều; bạn cần lính cứu hỏa có mặt tại hiện trường".

Chỉ ra rằng nhận thức về các biện pháp ngăn ngừa tình trạng sứa làm tắc đường ống của nhà máy điện vẫn chưa đầy đủ ở Trung Quốc, Sun cho biết cả những nỗ lực trong nước và quốc tế nhằm quản lý và giảm thiểu mối nguy hiểm từ sứa đều đang không ngừng phát triển.

Năm 2018, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc đã đề xuất sử dụng động vật phù du làm mồi để định vị và cạo sạch các vùng polyp của sứa A. aurita. Tại Hàn Quốc, các nhà nghiên cứu đã phát triển "kẻ hủy diệt sứa" - một robot có khả năng phát hiện và tiêu diệt các sinh vật này.

Ở Anh, công nghệ máy bay không người lái đã trở thành một phần của hệ thống cảnh báo sớm chủ động, sử dụng máy bay không người lái ở độ cao trung bình để theo dõi và báo hiệu chuyển động của sứa hướng đến các nhà máy điện. Và một nhà máy điện ở Nhật Bản đã áp dụng cách tiếp cận mới, lắp đặt thêm các ống dẫn khí để tạo ra các bong bóng nâng và chuyển hướng sứa khỏi các ống dẫn nước.

Sun cho biết để dự đoán lâu dài, việc theo dõi các polyp sứa bám vào đáy biển vẫn là chiến lược quan trọng, vì sự hiện diện của chúng cho thấy quy mô bùng nổ tiềm tàng ctrong tương lai.

Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trong khi quan sát đáy biển. "Trên thực tế, chúng ta biết về đáy biển còn ít hơn về bề mặt của Mặt trăng".

Cập nhật: 21/11/2024 Znews
  • 158