Cậu bé 13 tuổi phát minh ra công cụ trí tuệ nhân tạo giúp điều trị ung thư tụy

  •  
  • 1.125

Rishab Jain (13 tuổi) đang học Trường trung học cơ sở Stoller (ở Portland, Mỹ) đã giành chiến thắng trong cuộc thi Thách thức các nhà khoa học trẻ (Discovery Education 3M Young Scientist Challenge).

Cậu bé đã sáng tạo ra thuật toán mà trong đó một mô hình hóa bằng máy được sử dụng để giúp các bác sĩ tập trung vào tuyến tụy trong suốt quá trình điều trị ung thư, theo Time.

Tỷ lệ sống sót qua 5 năm sau khi nhận chẩn đoán ung thư tuyến tụy cực kỳ thấp, chỉ khoảng 9%. Những bệnh nhân có thể sống sót qua 10 năm còn thấp hơn nữa, khoảng 1%. Điều đáng nói là ở chỗ suốt 40 năm trở lại đây, những con số ảm đạm này vẫn không được cải thiện đáng kể.

Rishab Jain sáng tạo ra một thuật toán giúp các bác sĩ điều trị ung thư tụy hiệu quả hơn.
Rishab Jain sáng tạo ra một thuật toán giúp các bác sĩ điều trị ung thư tụy hiệu quả hơn.

Theo các bác sĩ, quá trình điều trị không dễ chút nào vì tuyến tụy thường bị các cơ quan khác trong cơ thể che khuất.

Ngoài ra, khi chúng ta thở và có các hoạt động khác, tuyến tụy bị di chuyển xung quanh khu vực bụng. Vì thế, các bác sĩ khó phát hiện ra nó.

Họ cần phải sử dụng sóng hoặc những hạt năng lượng cao "tấn công một khu vực khá rộng để đảm bảo có thể "đánh" trúng tuyến tụy. Tuy nhiên xác suất "đánh" trúng một vài tế bào khỏe mạnh xung quanh cũng khá cao".

Thuật toán do Jain sáng tạo có thể giải quyết một vài vấn đề trên. Thuật toán có thể giúp các bác sĩ xác định chính xác vị trí của tuyến tụy.

"Với thuật toán trên, các bác sĩ dùng sóng hoặc những hạt năng lượng cao tấn công tuyến tụy một cách chính xác. Vì vậy nó có thể giúp điều trị khối u hiệu quả hơn", Jain nói với Time.

Jain đã chiến thắng một giải thưởng 25.000 USD từ Discovery Education 3M Young Scientist Challenge, trao cho phát minh trí tuệ nhân tạo PCDLS Net, giúp cải thiện việc theo dõi tuyến tụy trong quá trình xạ trị ung thư.

Công cụ này cho phép xác định vị trí tuyến tụy trên phim chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ, giúp các bác sĩ nhắm mục tiêu chính xác hơn vào vị trí các khối u ẩn nấp. Từ đó, hàng triệu tế bào khỏe mạnh của bệnh nhân có thể được bảo tồn, hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống của họ cũng được cải thiện.

Jain cho biết cậu quan tâm về căn bệnh ung thư tụy vào năm ngoái trong suốt chuyến đi đến Boston (Mỹ) vì ở đó cậu bé đã chứng kiến cảnh một người bạn của gia đình tử vong vì căn bệnh này.

Hiện tại, Jain đang liên hệ với các bác sĩ của những bệnh viện ở Oregon và các bệnh viện nổi tiếng như Johns Hopkins và Trung tâm Ung thư Memorial Sloan Kettering (Mỹ) để ứng dụng sáng kiến của mình.

Ngoài ra, cậu bé sử dụng số tiền chiến thắng để phát triển sáng kiến và tạo nên một quỹ phi lợi nhuận (có tên gọi Hiệp hội Khoa học Samyak) để khuyến khích các bạn trẻ khác học STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) và nâng cao nhận thức về ung thư tụy.

Jain còn cho biết rằng cậu cũng giữ lại một phần giải thưởng để đi học đại học. Cậu bé đang muốn học trở thành một kỹ sư y sinh hoặc một bác sĩ, theo Time.

Cập nhật: 19/09/2019 Theo Thanh Niên/Trí Thức Trẻ
  • 1.125