Câu chuyện về sư tử cái Elsa và cuộc đấu tranh ngăn chặn những kẻ săn bắt động vật hoang dã

  •   4,73
  • 1.585

Trong khoảng một vài năm của những năm 60, sư tử cái Elsa là loài động vật nổi tiếng nhất còn sống.

Được nuôi lớn bởi con người sau khi sư tử mẹ chết, Elsa cuối cùng cũng được đưa trở về thế giới hoang dã. Câu chuyện về cuộc đời của sư tử cái này đã được chuyển thể thành một bộ phim rất thành công và đã truyền cảm hứng cho hàng ngàn người tham gia vào các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã.

Ngôi nhà của Elsa chính là công viên quốc gia Meru ở Kenya. Vào thời điểm đó, Meru là "thiên đường" trú ẩn của hàng ngàn loài động vật có "tiếng tăm" trong thế giới hoang dã, bao gồm cả sư tử. Tuy nhiên, nhiều năm sau cái chết của Elsa, công viên này đã bị tàn phá bởi những kẻ săn bắn trái phép và cuộc sống hoang dã gần như bị xóa sổ. Chỉ trong vài năm trước, Meru mới thực sự được phủ xanh trở lại.

Đây là câu chuyện về cuộc chiến kéo dài để đòi lại sự yên bình cho công viên quốc gia Meru: một cuộc chiến được truyền cảm hứng bởi câu chuyện về sư tử cái Elsa.

Meru
Công viên quốc gia Meru bị tàn phá

Câu chuyện về sư tử cái Elsa

Công viên quốc gia Meru là một nơi hoang dã, địa hình gồ ghề, trải dài trên một vùng đất có diện tích gấp hai lần diện tích đảo Wight (Isle of Wight). Nơi đây đã từng được xem là một điển hình về sự đa dạng của môi trường -những thảo nguyên đầy cỏ được tô điểm bởi các đàn trâu có kích thước lớn, ngựa vằn, voi, báo hoa mai và sư tử.

Trong những năm 1960, công viên trở nên nổi tiếng trên khắp thế giới. Đó là nhờ Born Free – một cuốn sách bán chạy được viết bởi Joy Adamson kẻ lại câu chuyện có thật về việc cô đã nuôi lớn một chú sư tử cái mồ côi có tên Elsa như thế nào.

Nhân vật
Joy và George Adamson

Vào năm 1956, chồng của Joy là George đã bắt chết một con sư tử (mẹ của sư tử cái Elsa) khi bị con vật này tấn công. Tuy nhiên, ngay sau đó, anh nhận ra rằng nó làm thế chỉ để bảo vệ con của mình. Chính vì vậy, George đã quyết định đưa Elsa về nuôi. Joy đã dạy cho Elsa cách để tự phòng thân và khi đã cứng cáp, Elsa được đưa trở về vườn quốc gia Meru. Tại đây, Elsa đã nuôi lớn 3 đứa con trước khi bị chết vào năm 1961 do mắc bệnh tick-borne (một loại bệnh được xác định là do bị bọ hoặc ve cắn).

Born Free
Các diễn viên trong bộ phim Born Free

Câu chuyện của Elsa đóng vai trò rất lớn trong việc thúc đẩy các hoạt động bảo tồn sư tử và tất cả các loài động vật hoang dã khác trong chương trình nghị sự quốc tế. Nó cũng góp phần giúp Meru trở thành một trong những khu bảo tồn quan trọng nhất của Kenya, thu hút hàng chục ngàn du khách tới đây mỗi năm để khám phá sự đa dạng của thiên nhiên hoang dã.

Nạn săn bắt động vật hoang dã ở công viên Meru

Cuộc xung đột bắt đầu với chiến tranh Shifta (Shifta War) trong những năm 1960 khi dân tộc Somali ở đông bắc Kenya nổi dậy để giành lại các phần đất thuộc về họ. Sau đó, một lệnh ngừng bắn đã được thiết lập và đến năm 1967, chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, khu vực này vẫn không an toàn khi mâu thuẫn gia tăng ở Ethiopia và Somali khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn. Cuối cùng, lực lượng dân quân đã phải can thiện bằng súng ngắn tự động.

Theo Tuqa Jirmo - giám sát cấp cao của vườn quốc gia thì "hầu hết các khu vực đều không ổn định""Meru bị kẹt ở giữa".

Lực lượng kiểm lâm của Meru chỉ có súng ngắn khá cồng kềnh và họ không thể chống lại được.

"Lực lượng dân quân có súng máy, chứ không đơn giản chỉ là cung và mũi tên như trước". Jirmo nói. "Cán bộ kiểm lâm của chúng tôi có thể ngăn chặn những kẻ săn bắt trộm động vật nhưng khi súng ngắn trở thành súng máy thì họ hoàn toàn bị áp đảo".

Cùng lúc đó, nhu cầu về ngà voi ngày càng tăng cao ở Châu Á. Điều này đã khiến các hoạt động săn bắt trộm trở thành nguồn tăng thu nhập hấp dẫn cho người nghèo và rồi, các loài động vật ở Meru dần dần bị bắn chết.

Voi
Voi bị thu hút bởi những kẻ săn bắt động vật hoang dã

"Ngà voi và tê giác bị bắn, còn các loài vật khác thì bị giết thịt". Jirmo chia sẻ. "Những kẻ săn bắt trộm nghĩ rằng Meru có nhiều voi tới mức sinh vật này chẳng thể nào tuyệt chủng. Do vậy, bảo tồn không phải là vấn đề cần quan tâm của chúng".

Vào cuối những năm 1970, Meru là "sân chơi" của những gã thợ săn và trong 10 năm sau đó, nơi này trở thành vùng đất "nằm ngoài vòng pháp luật".

Cơ sở hạ tầng của công viên bị hủy hoại và những con đường hẹp đã dần biến Meru trở thành vùng đất bị cô lập. Thêm vào đó, cây bụi mọc um tùm càng khiến khu vực này trở nên lý tưởng cho hoạt động săn bắn. Thế giới hoang dã bị hủy hoại và Jirmo đã gọi Meru là "vùng đất bị cấm".

Trâu
Một con trâu rừng châu Phi đang tắm bùn

"Dân số" loài voi giảm từ 3.000 con xuống còn vài trăm. Tê giác từ gần 100 đến chỗ bị xóa sổ hoàn toàn. Hàng trăm loài sư tử từng đi lang thang theo đàn trong công viên cũng bị giảm sút nghiêm trọng về số lượng.

Văn phòng quản lý và bảo tồn động vật hoang dã Kenya đã cố gắng ngăn chặn nạn săn bắt trộm nhưng chiến dịch này không phát huy hiệu quả và thiếu nguồn tài chính.

Một phần vấn đề là do các cán bộ kiểm lâm không tập trung vào hoạt động bảo tồn động vật hoang dã. Họ không có động lực làm việc do tiền lương quá thấp, vũ khí lạc hậu trong so sánh với trang bị của những kẻ săn bắt. Bất kỳ một nhân viên kiểm lâm nào khi đối mặt với những tên trộm này cũng đều cũng không giữ được tính mạng.

Sau khi có nhiều cán bộ kiểm lâm bị giết bởi những kẻ săn trộm, nhiều người sống sót đã quyết định làm ngơ và không can thiệp để bảo vệ tính mạng. "Các nhân viên lâm nghiệp không hề ngăn chặn những kẻ săn trộm nên gần như chúng được tự do ra vào khu vực này", Tim Oloo - một thành viên của Born Free Foundation chia sẻ.

Tê giác trắng
Tê giác trắng ở Meru

Điều này cuối cùng càng khiến các hoạt động săn bắt trái phép trở nên trắng trợn. "Những tên cướp tuyên bố rằng chúng sẽ giết thẳng tay 5 con tê giác trắng. Ngây lập tức, chúng đến Meru và mang đi tất cả, chỉ để lại những chiếc sừng". Oloo nói "không ai làm bất cứ điều gì để ngăn chặn những hành động man rợ đó".

Thời điểm đó, niềm hy vọng vào việc kêu gọi mọi người đấu tranh bảo vệ Meru chỉ còn trông chờ vào Joy Adamson nhưng đến năm 1980, cô đã chết và sau đó, được xác nhận là do bị sát hại.

Thảm khốc nhất là năm 1989. Những tên cướp đã giết hại 2 du khách Pháp tới Meru và một tháng sau, George Adámon cũng bị sát hại tại Công viên quốc gia Kora ở gần đó. Meru đóng cửa và câu chuyện dường như khép lại với một kết thúc không hề có hậu.

Sư tử
Ngày nay có rất ít sư tử ở Meru

Sự hồi sinh của Vườn quốc gia Meru

Vào năm 1990, chính phủ Kenya đã thành lập Cục thiên nhiên hoang dã (Kenya Wildlife Service) để kiểm soát hoạt động của văn phòng quản lý và bảo tồn thiên nhiên hoang dã do những thất bại trong việc bảo vệ vườn quốc gia Meru.

Bước đầu tiên là khôi phục công viên. Được hỗ trợ 1,25 triệu USD từ Qũy quốc tế về quyền lợi của các loài động vật (Animal Welfare), Meru đã chào đón hơn 1.300 loài động vật được chuyển từ các công viên khác trong giai đoạn 5 năm, bao gồm tê giác, hươu cao cổ, ngựa vằn, linh dương impala, voi và tê giác đen. Ngoài ra, các tuyến đường cũng được sửa chữa và các nhà nghỉ cho khách du lịch cũng được xây dựng. Quan trọng hơn, lực lượng kiểm lâm cũng bắt đầu được đào tạo về cách sử dụng súng tự động, liên lạc bằng hệ thống radio hiện đại, an ninh, đi kèm các cải thiện tiền lương và nhà ở.

Xavan
Cây xavan mọc khắp vườn quốc gia Meru

10 năm sau đó, lực lượng kiểm lâm mới này đã tiêu diệt hoàn toàn được những kẻ săn trộm. Dần dần, chúng bị đuổi khỏi Meru và công viên quốc gia này bước vào quá trình hồi sinh từ bờ vực.

Ngày hôm nay, nạn săn bắt trộm vẫn là một mối đe dọa nhưng nó không còn là một vụ thảm sát nữa. Thay vào đó, một khu bảo tồn tê giác được xây dựng có thể chứa được 60 con và được theo dõi trong suốt 24 giờ/ngày. Vào năm 2014, hai kẻ săn trộm có vũ trang đã cố gắng giết một con tê giác trắng nhưng cuối cùng chúng đã tự khiến mình mất mạng.

Meru một lần nữa trở thành ngôi nhà của rất nhiều loài động vật và hơn 400 loài chim. Thế nhưng, bạn sẽ không còn nhìn thấy Elsa nữa vì gần như chẳng hề có con sư tử nào.

Meru
Công viên quốc gia Meru nhìn từ trên cao

Vào tháng 2 năm 2016, một cuộc điều tra về sự tồn tại của sư tử trong vườn quốc gia Meru đã được thực hiện. Kết quả là chỉ có khoảng 80 con sư tử trong toàn bộ khu vườn và con số này là cực kỳ thấp. Không chỉ riêng Meru mà hầu khắp Kenya, "dân số" sư tử đều giảm mạnh, chỉ có khoảng 2.000 con còn sống trong so sánh với khoảng 100.000 con tại thời điểm Elsa còn sống.

Tuy nhiên, vẫn còn hy vọng Meru sẽ trở thành "ngôi nhà' của sư tử một lần nữa.

Jirmo chia sẻ "cuộc điều tra mới chỉ là bước đầu tiên. Bước tiếp theo, chúng ta có thể biết được từng con sư tử, giám sát và theo dõi chúng. Trong những năm tới, Meru sẽ quay trở về với thời kỳ phồn thịnh như nó đã từng như vậy".

Bẫy - mối đe dọa tiếp theo của thiên nhiên hoang dã ở Meru

Bẫy là những chiếc dây chết người. Mọi người thường đặt chúng trong bụi cây để bắt các loài động vật và lấy thịt. Số thịt thu được "sẽ ăn hoặc bán".

Victor Mutumah - một thành viên của Born Free Foundation nói, "Mục tiêu vẫn là trâu, huơu cao cổ hay linh dương impala, nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là họ đặt bẫy một cách bừa bãi. Có người giăng bẫy để bắt trâu nhưng sau đó, nạn nhân lại là voi".

Khỉ đầu chó
Một con khỉ đầu chó đang ngồi trên cành cây ô liu

Cũng theo ông, gốc rễ của việc đặt bẫy là do những cộng đồng người nghèo sống ở khu vực vành đai của công viên đang gặp khó khăn trong cuộc sống hàng ngày và họ cũng không mấy thiện cảm với các loài động vật.

Voi trong công viên giẫm đạp lên cây trồng của họ, trong khi sư tử và báo giết gia súc. Điều này có nghĩa là người dân địa phương có thái độ tiêu cực đối với động vật hoang dã và rất khó thay đổi.

"Đối với nhiều người, bảo tồn không phải là ưu tiên của họ", Mutumah nói, "Họ cần phải nuôi sống gia đình của họ đầu tiên."

Tệ hơn, một số người dân địa phương còn coi các công viên là nơi để "giữ chân" khách du lịch giàu có. Chỉ mất khoảng 350ksh (khoảng £2.50) để vào công viên nhưng thuê một chiếc xe để đi lại sẽ tốn hơn rất nhiều. Điều này dẫn tới hầu hết người dân địa phương chẳng bao giờ đặt chân tới Meru. "Mọi người không nghĩ rằng họ có bất kỳ lợi ích trực tiếp nào từ công viên cả".

Linh dương
Linh dương Waterbuck

Giờ đây, đã có một cam kết nghiêm túc từ phía cộng đồng "coi các vấn đề về Meru nghiêm túc hơn bởi vì họ có thể được lợi theo một cách nào đó". Điều quan trọng là mỗi khi giăng bẫy, họ đều nói với chính quyền.

Nếu mọi việc suôn sẻ, trong vài năm tới, sẽ có nhiều khách du lịch hơn đến với Meru và một thế hệ sư tử mới cũng sẽ phát triển mạnh tại nơi mà chúng từng thuộc về trong quá khứ.

Cập nhật: 08/06/2016 Vân Anh - Theo BBC
  • 4,73
  • 1.585