Cậu học trò Lạng Giang và Robot thực hành hóa học

  •  
  • 881

Robot thực hành hoá học Jupiter
Robot thực hành hoá học Jupiter (Ảnh: TTO)
Với sản phẩm Robot thực hành hóa học Jupiter, em Nguyễn Ngọc Châm, học sinh lớp 12A2 Trường THPT Lạng Giang số 1 (Bắc Giang) đã giành giải nhất cuộc thi “Sáng tạo trẻ” dành cho thanh thiếu nhi toàn quốc lần thứ hai năm 2006.

Sản phẩm này đồng thời nhận được giải Sản phẩm thiết kế đẹp nhất của BTC cuộc thi và được Tổ chức Sở hữu trí tuệ (WIPO) Liên hiệp quốc tặng Huy chương Vàng.

Robot độc đáo và ấn tượng này được ứng dụng vào việc trợ giúp học sinh thực hành môn hóa học mà không phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại.

Ngày mới học tiểu học, Châm đã mượn ông nội cái đài cũ về tự khám phá các vi mạch điện tử, tụ điện… Em đã nhiều lần tháo lắp từng linh kiện của máy móc, đồ điện tử trong nhà chỉ để muốn biết từng bộ phận, chức năng của chúng. Khi bước vào học môn vật lý, em đã say mê với các định luật, công thức. Bất cứ một thí nghiệm nào được học trên lớp, Châm đều thích tự thực hành tại xưởng chế tạo ở nhà. Châm luôn tìm đến các cửa hàng sửa chữa xe máy để xem nguyên lý hoạt động của các loại động cơ phân kỳ.

Bắt nguồn từ bộ phim khoa học viễn tưởng nói về một gia đình làm khoa học đã phóng con tàu vào vũ trụ để thử nghiệm, thế là khi mới học lớp 8, được học về dao động của con lắc, Châm đã có ý nghĩ chế tạo Robot. Em đã tự làm mô hình Robot bằng xốp, sau đó triển khai chế tạo từ nhôm, thép.

Sản phẩm Robot đầu tay của Châm là những đồ chơi tự tạo theo các mô hình người máy siêu nhân. Lúc đầu, em tự vẽ kết cấu mô hình bằng tay, tốn rất nhiều công sức. Sau này học lên cao, được học sâu về các môn khoa học cơ bản nên Châm đã có nhiều ý tưởng sáng tạo khoa học lý thú hơn. 

Robot gồm một hộp kính trong như một phòng thí nghiệm thu nhỏ; một bàn xoay nơi cửa ra vào của hộp kính để đưa các lọ hóa chất ra vào “phòng thí nghiệm”. Cánh tay robot có chức năng lấy các hóa chất rắn trong lọ, tay máy di chuyển 6 chiều khác nhau đến vị trí bất kỳ trong lồng kính, hệ thống hút, đẩy bằng xilanh được điều khiển để hút và hòa trộn các dung dịch. Bệ xoay ly tâm trong lồng kính, dùng để trộn đều hỗn hợp các dung dịch.

Xuất phát từ các giờ thực hành hóa học trong nhà trường còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp xúc với nhiều loại hóa chất độc hại, đồng thời trong quá trình tiến hành thí nghiệm độ chính xác chưa cao, Châm đã đề xuất ý tưởng: chế tạo Robot ứng dụng vào việc trợ giúp học sinh thực hành môn hóa học mà không cần tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất và đạt hiệu quả cao hơn để các bạn hoàn thành tốt công việc học tập. Và sản phẩm “Mô hình Robot Jupiter thực hành hóa học” đã ra đời trên ý tưởng sáng tạo đó. 

Nhận giải nhất của cuộc thi, Châm xúc động: “Để nhận được giải, ngoài nỗ lực của bản thân, em còn được quan tâm giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần từ phía gia đình và các thầy cô giáo. Sản phẩm của em chưa thật sự hoàn thiện, em mong muốn có thời gian và điều kiện để hoàn thiện thêm Robot của mình, có thể thực hành được thí nghiệm đối với cả chất khí”.

Hiện nay, Nguyễn Ngọc Châm đang nỗ lực học tập để thi đỗ vào trường đại học khối kỹ thuật. Với lòng nhiệt tình và say mê khoa học, em đang quyết tâm phấn đấu để được tham gia vào cuộc thi sáng tạo Robot dành cho sinh viên (Robocon).

TRẦN VĂN MỪNG

Theo báo Khoa học & phát triển
  • 881