Cấu trúc lớn nhất vũ trụ chứa vừa 1.600 dải Ngân hà

  •  
  • 2.995

Một nhóm nghiên cứu Nhật Bản tìm thấy đám mây khí được xem là lớn nhất trong vũ trụ thuở sơ khai cách đây 11,5 tỷ năm với đường kính 160 triệu năm ánh sáng.

Các nhà thiên văn học Nhật Bản sử dụng kính viễn vọng Subaru ở Hawaii phát hiện một đám mây khí hydro khổng lồ trải rộng 160 triệu năm ánh sáng ở giai đoạn cách đây 11,5 tỷ năm, theo IFL Science. Bề rộng của nó đủ lớn để chứa vừa 1.600 dải Ngân hà.

Một cụm siêu đám thiên hà trong ảnh chụp hồng ngoại của NASA.
Một cụm siêu đám thiên hà trong ảnh chụp hồng ngoại của NASA. (Ảnh: NASA).

Khu vực vũ trụ được lựa chọn trong nghiên cứu do sự hiện diện của siêu đám thiên hà SSA22. Các nhà nghiên cứu sử dụng ánh sáng từ thiên hà trong SSA22 để tìm hiểu về những đám mây khí mờ nhạt nhưng họ không lường trước mức độ trải rộng của mây khí ở bên trong, xung quanh và ngoài cụm. Phát hiện được công bố trên tạp chí Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.

"Chúng tôi rất bất ngờ khi thấy cấu trúc khí gas dày đặc trải rộng hơn nhiều so với dự đoán trong siêu đám thiên hà", tiến sĩ Ken Mawatari ở Đại học Osaka Sangyo, cho biết. "Chúng tôi cần thêm nhiều quan sát trong phạm vi rộng hơn để có cái nhìn đầy đủ về cấu trúc lớn nhất trong vũ trụ thời trẻ này".

Mô hình vũ trụ học chuẩn chỉ ra những cấu trúc trong vũ trụ thuở sơ khai thường có kích thước nhỏ hơn, sau đó theo thời gian sáp nhập thành cấu trúc lớn. Nhóm nghiên cứu cũng kết luận sự phân bố khí gas không đồng đều với cách các thiên hà dàn trải bên trong cụm siêu đám. Phát hiện hé lộ quan hệ mới giữa đám mây khí gas và các cụm thiên hà trong vũ trụ thuở đầu.

Cập nhật: 03/04/2017 Theo VnExpress
  • 2.995