Các nhà khoa học Nhật Bản vừa phát hiện ra một loại gene đặc biệt trong thực vật, giúp chúng chống chọi với nắng nóng dữ dội.
Trong những ngày hè nắng như đổ lửa, chẳng có ai muốn đứng ngoài trời dù chỉ một phút. Đó không khác gì một cực hình với loài người chúng ta.
Còn với cây cối thì sao? Chúng thậm chí chẳng có sự lựa chọn nào khác, ngoài việc phơi mình đối chọi với cái nắng cái gió.
Cây cối có một cơ chế chống nóng của riêng mình.
Hãy tưởng tượng bạn là một cây cà chua đi. Dù nắng nóng có khắc nghiệt hơn nữa thì bạn cũng không thể bước vào nơi râm mát. Những chiếc lá sẽ không còn màu xanh do màng lục lạp bị tổn thương. Nếu không biến đổi để thích nghi, bạn sẽ bị thời tiết hạ gục.
May thay, hiện tượng ấy sẽ không xảy ra, ít nhất là trong một thời gian ngắn. Theo một nghiên cứu mới đây, cây cối có một cơ chế chống nóng, bằng cách điều hòa chất béo của cây - thành phần tạo nên lục lạp. Khi nhiệt độ tăng cao khiến màng lục lạp mất ổn định, PUFA (axit béo không no nhiều nối đuôi) sẽ được giải phóng khỏi màng lipid để tham gia tái ổn định màng.
Và các nhà khoa học đã tìm ra loại gene quyết định quá trình này.
"Chúng tôi đã giả định rằng sự tăng giảm của lipid lục lạp được điều khiển bởi một loại gene có khả năng cảm ứng với nhiệt độ" - ông Yasuhiro Higashi - thành viên của nhóm nghiên cứu giải thích.
"Chúng tôi dựa trên kho dữ liệu để xác định loại gene này, dự đoán cách thức nó hoạt động và dò tìm các gene tương tự ở các loài khác".
Họ đồng thời phát hiện thực vật đột biến nhạy cảm với nhiệt độ hơn, nghĩa là chúng khó thích nghi với nhiệt độ cao và có khả năng sống thấp hơn. Các thí nghiệm được tiến hành trên cây Arabidopsis, một loài thuộc họ Cải thường được dùng trong các nghiên cứu thực vật.
Cây thường và cây đột biến (phải).
Tiến sĩ Kazuki Saito, người đứng đầu dự án tin tưởng vào tính hữu ích mà công trình của nhóm ông mang lại.
"Cảm ứng tự nhiên với nhiệt độ ở thực vật không phải là một phát hiện mới. Nhưng hiểu được cơ chế đó sẽ giúp chúng ta đưa ra những biện pháp chống lại tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu".
"Nghiên cứu của chúng tôi đang đóng góp vào Mục tiêu Phát triển của Liên Hợp Quốc năm 2015 (STG) ở điều 2 và 13 - xóa đói và chống biến đổi khí hậu".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học The Plant Cell.