Với hơn 700 du khách cùng hướng dẫn viên chinh phục đỉnh Everest mỗi năm, lượng chất thải của họ đang gây ô nhiễm và trở thành mối đe dọa sức khỏe.
>> Kêu gọi xây toilet trên nóc nhà thế giới
Chủ tịch Hiệp hội leo núi Nepal, ông Ang Tshering, cho biết chất thải của những du khách và hướng dẫn viên để lại trên đường leo Everest đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại, khi chúng gây ô nhiễm và có nguy cơ phát tán bệnh tật trên đỉnh núi cao nhất thế giới này.
Hơn 700 du khách cùng hướng dẫn viên dành trung bình 2 tháng để leo Everest. Họ để lại một lượng lớn nước tiểu và phân. Ông Tshering cho biết chính phủ Nepal cần có biện pháp cứng rắn hơn để những người leo núi xử lý chất thải của mình đúng cách để bảo vệ môi trường trên núi.
Rác thải trên đường leo Everest.
Các du khách dành nhiều tuần ở 4 khu trại được dựng ở độ cao 5.300 m và đỉnh núi độ cao 8.850 m. Các khu trại có đồ dùng và lương thực cơ bản, nhưng không có nhà vệ sinh.
“Những người leo núi thường đào hồ trong tuyết và đi vệ sinh vào đó. Chất thải của con người đã tích tụ quanh 4 trại suốt nhiều năm liền”.
Ở khu trại, nơi có nhiều phu khuân vác, người nấu ăn và nhân viên trong mùa leo núi, các nhà vệ sinh được dựng lên với thùng chứa chất thải. Sau đó các thùng này được chở xuống vùng thấp hơn để xử lý.
Một thành viên trong đội dọn rác trên Everest.
Dawa Steven Sherpa, người đứng đầu các chuyến dọn rác trên Everest từ năm 2008, cho biết một số du khách đã đem theo túi vệ sinh để sử dụng ở các trại cao hơn. Ông khẳng định đây là một mối đe dọa sức khỏe và một vấn đề cần được giải quyết.
Chính phủ Nepal đã đề ra luật rằng mỗi du khách phải đem tối thiểu 8 kg rác xuống núi sau chuyến đi, nếu không sẽ bị mất 4.000 USD tiền đặt cọc.