Những nhân tố biến Everest thành tử huyệt của các nhà leo núi

  •   3,54
  • 3.125

Với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, địa hình nguy hiểm và độ cao chết người, đỉnh Everest hội tụ đầy đủ yếu tố đe dọa cướp đi mạng sống của bất kỳ nhà leo núi nào.

Năm 2014, các cuộc thám hiểm núi Everest gần như bị dừng hoàn toàn sau cái chết của 16 công nhân Nepal trong một trận lở tuyết. Tháng 4/2015, một trận động đất 7,8 độ richter và sạt lở đất khiến gần 8.500 người thiệt mạng ở Nepal, trong đó có 19 trường hợp tử vong tại khu trại Everest Base Camp.

Tháng 4/2016, bốn người chết, hai nhà leo núi mất tích có khả năng không tìm thấy xác, một công nhân thiệt mạng khi đang sửa chữa con đường gần đỉnh núi và ba nhà leo núi khác chết do các chứng bệnh liên quan đến độ cao.

Ngoài thời tiết thất thường và địa hình hiểm trở gần đỉnh núi, điều khiến Everest trở nên nguy hiểm chính là ảnh hưởng của độ cao lên cơ thể người, theo các nhà khoa học.

Ở 8.848m, Everest là đỉnh núi cao nhất trên thế giới xét theo độ cao so với mực nước biển. Do đó, những nhà leo núi phải đối mặt với chứng sau độ cao trước khi chinh phục thành công đỉnh Everest.

Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới xét theo độ cao so với mực nước biển.
Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới xét theo độ cao so với mực nước biển. (Ảnh: Wikipedia).

Say độ cao còn được gọi là say núi cấp tính. Chứng bệnh này xảy ra khi con người đạt đến độ cao khoảng 2.440m. Các triệu chứng bao gồm buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt và mệt mỏi. Say độ cao trở nên nghiêm trọng hơn khi con người đạt đến độ cao 3.600m với các triệu chứng như di chuyển khó khăn, khó thở, đánh trống ngực, ho ra chất lỏng màu hồng, sùi bọt mép, bị ảo giác và mất ý thức, theo Cơ quan Y tế Anh.

Thiếu oxy là nguyên nhân dẫn đến chứng say độ cao. Khí áp giảm ở độ cao lớn, khiến các phân tử oxy tách xa nhau, tiến sĩ Eric Weiss, giáo sư khoa cấp cứu ở Đại học Stanford, Mỹ, cho biết. Tại khu trại Everest Base Camp nằm ở độ cao 5.400m, nồng độ oxy vào khoảng 50% so với ở trên mực nước biển. Ở đỉnh Everest, nồng độ oxy giảm xuống chỉ còn khoảng 33%.

"Việc giảm đáng kể áp suất không khí và oxy nhận được rất có hại cho bộ não và cơ thể", Live Science dẫn lời Weiss.

Nếu bị say độ cao nhẹ, bệnh nhân không nên leo cao hơn trong vòng 24 - 48 giờ. Trong trường hợp các triệu chứng không giảm bớt hoặc thậm chí trở nên nặng hơn, bệnh nhân cần đi xuống độ cao 500m. Tình trạng say độ cao nặng đòi hỏi giảm độ cao ngay lập tức và cần có sự can thiệp từ các chuyên gia y tế.

Say độ cao có thể dẫn đến phù thũng não và phổi. Những triệu chứng này thường xuất hiện cùng lúc, khi cơ thể cố gắng cung cấp thêm oxy cho các cơ quan quan trọng của cơ thể. Chất lỏng tích tụ trong não có thể dẫn đến mất ý thức và khả năng phối hợp vận động, gây hôn mê và tử vong. Sự tích tụ chất lỏng trong phổi có thể gây khó thở và tử vong thông qua quá trình tương tự như chết đuối.

Theo báo cáo khoa học đăng trên Tạp chí Y khoa Anh (BMJ) năm 2008, sự mệt mỏi và thời gian dài trong các chuyến leo núi tại Everest là nguyên nhân dẫn đến tử vong. Các nhà nghiên cứu cho biết rồi loạn chức năng thần kinh liên quan đến chứng say độ cao cũng có thể gây ra cú ngã chí mạng.

Khi gặp chứng say độ cao, cách chữa trị hiệu quả nhất là hạ thấp độ cao của người bệnh. Tuy nhiên, việc leo xuống dốc đòi hỏi nhiều kỹ năng bên cạnh các khó khăn khác như kiệt sức, mất nước và thiếu oxy. Dùng thuốc cũng giúp ngăn ngừa và điều trị một phần chứng tích nước trong não nhưng chúng không có hiệu quả với chứng tích nước trong phổi.

Cập nhật: 01/06/2016 Theo VnExpress
  • 3,54
  • 3.125