Chế độ ăn không hợp lý của người Việt làm tăng bệnh

  •  
  • 4.045

“Sau 10 năm, lượng thịt cá tiêu thụ trong bữa ăn của người Việt đã tăng gấp rưỡi nhưng rau xanh lại giảm. Thịt cá tăng khiến tỉ lệ tử vong do các bệnh mãn tính không lây có xu hướng tăng lên”, ông Lê Danh Tuyên, phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết.

Bữa ăn hằng ngày của người dân đang có rất nhiều thay đổi những năm gần đây. Trước đây, khẩu phần ăn hằng ngày tương đối đơn điệu, bữa ăn chủ yếu là cơm và rau, ít thịt cá. Mô hình bữa ăn đơn điệu như vậy hiện vẫn còn thấy ở một số vùng nông thôn nghèo, vùng khó khăn hay xảy ra thiên tai hoặc ở những gia đình nghèo cả ở nông thôn và thành thị... Nhưng ở một bộ phận lớn người dân các vùng thành phố, vùng nông thôn khá giả và ở nhiều tầng lớp có thu nhập khá thì cơ cấu các chất sinh năng lượng trong khẩu phần đang có thay đổi rất lớn.


Ảnh minh họa.

Những điểm mới nhất về khẩu phần ăn của người Việt trong nghiên cứu này, thưa ông?

- Người dân ăn nhiều thịt, cá, trứng hơn so với trước đây. Trong khi thức ăn nguồn gốc động vật tăng lên thì số lượng rau các loại lại thấp đi (xem bảng).

Điều này có liên quan gì đến tình hình các bệnh mãn tính như rối loạn chuyển hóa, tim mạch hay tiểu đường đang gia tăng rất mạnh ở VN không?

Những thay đổi về tiêu thụ lương thực - thực phẩm hằng ngày đã ảnh hưởng rất lớn đến mô hình bệnh tật và tử vong hiện nay ở nước ta. Trong khi tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm giảm hẳn nhờ hiệu quả phòng chống dịch bệnh, thì tỉ lệ mắc và tử vong do các bệnh mãn tính không lây có xu hướng tăng lên. Đây cũng là quy luật chung cho các nước phát triển khi bước vào giai đoạn chuyển tiếp về kinh tế.

Chất lượng sống hiện nay của một bộ phận người dân tăng lên, chất lượng dinh dưỡng về bữa ăn cũng tăng. Sự dư thừa năng lượng liên quan chặt chẽ đến sự gia tăng của thừa cân, béo phì. Tiêu thụ thịt, chất béo cũng làm tỉ lệ người có hàm lượng lipit trong máu tăng, tỉ lệ người mắc bệnh tiểu đường cũng tăng lên.

Như vậy theo ông, cần điều chỉnh những gì?

Thành phần thực phẩm trong bữa ăn hiện nay có những thay đổi không như mong muốn. Mức tiêu thụ thịt cao hơn mức khuyến cáo khá nhiều, trong khi mức tiêu thụ cá và các loại thủy sản khác, đặc biệt là rau còn thấp.

Chúng ta nên giữ mức ăn thịt và các món ăn chế biến từ thịt xung quanh 50-60 gam/người/ngày, nên tăng ăn cá và thủy/hải sản lên 100-150 gam/người/ngày, cố gắng tăng lượng rau và quả chín. Rau nên ăn 200-300 gam mỗi ngày. Hạn chế dầu mỡ ở mức 20 gam/ngày/người. Như thế, chúng ta vẫn giữ được cơ cấu sinh năng lượng ở mức hợp lý và tránh những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Thịt là loại thực phẩm chứa protit động vật, có giá trị sinh học cao hơn protit thực vật, có một số vi chất dinh dưỡng cần thiết nhưng ăn nhiều thịt và nhiều lần trong tuần có thể gây nhiều hậu quả xấu với sức khỏe.

Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra mối liên quan ăn nhiều thịt với các bệnh tim mạch, khớp, bệnh dị ứng, ung thư và cả hiện tượng làm mất canxi trong cơ thể. Về muối, khuyến cáo mỗi người chỉ nên dùng dưới 10 gam/ngày.

Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi, cần cho bú sữa mẹ hoàn toàn. Sau giai đoạn sáu tháng cần cho trẻ bú mẹ kéo dài đến 2 tuổi, bên cạnh bữa ăn. Trẻ ăn quá nhiều protit kể cả protit từ sữa bò gây nên gánh nặng cho hoạt động của thận.

Với kết quả nghiên cứu này, ông cho rằng cần có những khuyến cáo gì về thực hành dinh dưỡng và chính sách liên quan đến dinh dưỡng và sức khỏe?

Đến nay chúng ta vẫn còn đến 29,3% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, đây là lý do chính dẫn đến chiều cao thấp ở người trưởng thành. Nguyên nhân chính là thiếu đa vi chất dinh dưỡng ở người mẹ ngay từ thời kỳ trước khi mang thai, trong khi mang thai, thời kỳ cho con bú và ở trẻ em dưới 2 tuổi. Đây cũng chính là hậu quả của khẩu phần ăn đơn điệu, mất cân đối kể trên.

Bên cạnh đó, các bệnh liên quan đến chế độ ăn không hợp lý, tiêu thụ nhiều năng lượng, chất béo và cả protit cũng tăng lên. Điều này đang tạo ra “gánh nặng kép” về suy dinh dưỡng ở nước ta.

Các khuyến cáo về thực hành dinh dưỡng và chính sách liên quan đến dinh dưỡng, sức khỏe sẽ là một phần quan trọng của Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020Bộ Y tế đang cùng các bộ khác soạn thảo, sớm trình Chính phủ trong năm nay. Trong đó có việc dán nhãn dinh dưỡng cho thực phẩm để người dân có quyền chọn lựa, biết được thực phẩm mình ăn bao gồm những gì, hàm lượng bao nhiêu.

Chúng ta cũng cần có những hướng dẫn về hoạt động thể lực cụ thể cho từng nhóm đối tượng, dựa trên mức tiêu hao năng lượng. Cần tăng cường truyền thông để mọi người có ý thức và thực hành duy trì lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, không hút thuốc lá, tăng cường hoạt động thể lực hằng ngày... nhằm bảo vệ sức khỏe, phòng chống bệnh tật, nâng cao chiều cao người trưởng thành, đồng thời góp phần kéo dài tuổi thọ người Việt Nam.

Cuộc tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2010 được triển khai từ tháng 9/2009 đến hết năm 2010, do Viện Dinh dưỡng quốc gia Tổng cục Thống kê thực hiện trên 7.600 hộ gia đình, sinh sống ở tất cả các vùng sinh thái trên cả nước.

Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc tiến hành 10 năm/lần, nhằm đánh giá hiệu quả chương trình dinh dưỡng đã triển khai trong 10 năm qua và thu thập thông tin để xây dựng chiến lược quốc gia về dinh dưỡng cho giai đoạn tới.

Song song với kết quả điều tra này, Viện Dinh dưỡng quốc gia đang xây dựng chiến lược dinh dưỡng quốc gia 2011-2020, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt trong năm nay.

Theo Dân trí
  • 4.045