Chuột khổng lồ trên đảo Solomon có thể cắn vỡ quả dừa

  •  
  • 750

Các nhà nghiên cứu lần đầu chụp ảnh loài chuột dài hơn 45 cm cực hiếm gặp trên quần đảo Solomon nhờ bẫy camera.

Năm 2017, các nhà khoa học phát hiện một loài chuột khổng lồ có thể cắn vỡ vỏ dừa. Giờ đây, sinh vật cực kỳ hiếm gặp này được chụp ảnh lần đầu tiên trong tự nhiên, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Ecology and Evolution, New Atlas đưa tin.

Bẫy camera chụp ảnh chuột khổng lồ Vangunu.
Bẫy camera chụp ảnh chuột khổng lồ Vangunu. (Ảnh: Tyrone Lavery)

Người dân địa phương sống trên quần đảo Solomon từ lâu kể về loài chuột khổng lồ bò quanh gốc cây, thậm chí có thể nhai vỏ dừa. Mãi tới năm 2017, một nhóm nhà khoa học đến từ Bảo tàng Field ở Chicago tìm thấy mẫu vật sống trong lúc thám hiểm và xác nhận đó là loài hoàn toàn mới thông qua phân tích ADN. Mang tên chuột khổng lồ Vangunu (Uromys vika), một cá thể có thể nặng một kilogram và dài 45,7 cm, gấp 3 - 4 lần chuột đen hoặc chuột nâu thông thường.

Ở thời điểm đó, chuột khổng lồ Vangunu được mô tả qua hình minh họa. Nhưng gần đây, các nhà nghiên cứu chụp được bức ảnh đầu tiên của chúng nhờ bẫy camera đặt quanh đảo Vangunu dựa trên hiểu biết của người dân địa phương về loài vật. Những con chuột xuất hiện ở 95 bức ảnh, qua đó nhóm nghiên cứu xác định được 4 cá thể.

Không may, đây có thể là loạt ảnh duy nhất về chuột khổng lồ Vangunu. Dù phát hiện cách đây vài năm, mức độ khan hiếm đẩy chúng vào danh mục loài cực kỳ nguy cấp và nơi ở của chúng quanh làng Zaira Village đang bị đe dọa.

"Nhiều khả năng, đây là môi trường sống cuối cùng còn sót lại của loài này", vị chuyên gia nói thêm.

Một con chuột khổng lồ cực hiếm được máy ảnh ghi lại trên hòn đảo Vangunu.
Một con chuột khổng lồ cực hiếm được máy ảnh ghi lại trên hòn đảo Vangunu.

Hiện, Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế liệt kê Uromys vika vào danh sách cực kỳ nguy cấp vì nơi chúng sinh sống chỉ là một hòn đảo rộng hơn 500 km2.

Đáng lo ngại, khu vực nơi những con chuột khổng lồ trên được tìm thấy có diện tích chưa đầy 80km2 và đang bị tàn phá nhanh chóng do khai thác gỗ.

Một cuộc tranh cãi kéo dài nhiều năm đã diễn ra giữa các bộ tộc bản địa và chính quyền Quần đảo Solomon trong việc bảo tồn những hệ sinh thái quý giá còn sót lại trên đảo.

Song vào tháng 11/2022, chính phủ Quần đảo Solomon đã đồng ý cho khai thác gỗ trên vùng đất truyền thống của bộ tộc Dokoso.

Các nhà khoa học đã lên tiếng mạnh mẽ, cho rằng hành động này sẽ làm mất đi sự đa dạng sinh học, dẫn tới cuộc sống của nhiều loài vật bị đe dọa. Trong đó, chuột khổng lồ Vangunu có thể là những sinh vật đầu tiên bị tận diệt vì mất môi trường sống.

Cập nhật: 23/09/2024 VnExpress/NĐT
  • 750