Chuyện lạ về Trâu

  •  
  • 8.989

“Con trâu là đầu cơ nghiệp”, hình ảnh Trâu luôn gắn bó với người dân các nước châu Á. Xung quanh con trâu cũng có không ít chuyện lạ, ngày xuân Kỷ Sửu, xin giới thiệu hầu bạn đọc.

Chú nghé 4 mắt, 3 miệng, 3 sừng 

Cuối năm 2007, con trâu mẹ nhà ông Trần ở thôn Định Duy, thị trấn Công Pha, Hải Nam (Trung Quốc) sinh ra một “quái nghé” với 4 mắt, 3 miệng, 3 chiếc sừng nhỏ, trông rất kỳ quái. Chủ nhà rất hoảng sợ bèn báo chính quyền.

Cơ quan thú y đã đến kiểm tra và cho biết đây là trường hợp hiếm gặp, các bộ phận cơ thể khác tuy bình thường, nhưng khả năng sống bình thường của “quái nghé” này không cao.

Trâu sinh đôi 

Chuyện lạ này xảy ra tại nhà ông nông dân Thang Đông Lượng ở thôn Nam Nham, huyện Qua Dương (Giang Tây, Trung Quốc). Con trâu mẹ đã sinh ra cặp nghé một đực, một cái.

Các chuyên gia nông nghiệp cho biết, trâu là loài động vật đơn thai nên đẻ sinh đôi rất hiếm thấy, trong điều kiện sinh sản tự nhiên, tỷ lệ chỉ là 1/50 ngàn, sinh đôi có đủ đực, cái lại càng hiếm hơn nữa.

Trâu lớn nhất thế giới

Đó là bức tượng đài kỷ niệm loài trâu rừng ở Mỹ được dựng lên năm 1960. Con trâu khổng lồ bằng ximăng cốt thép này cao 8 mét, nặng 60 tấn.

Trâu đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh qua ống nghiệm

Đó là 2 con nghé được sinh ra tại Viện Khoa học nông nghiệp Quảng Tây (Trung Quốc).

Các nhà khoa học ở đây đã lấy tinh của trâu bố Mura thụ tinh với tế bào trứng của trâu mẹ trong phòng thí nghiệm, khống chế giới tính của bào thai bằng phương pháp phân ly nhiễm sắc thể rồi đưa vào dạ con trâu mẹ.

Được biết bằng phương pháp khống chế nhiễm sắc thể X,Y, các nhà khoa học ở đây có thể kiểm soát giới tính của nghé đạt tới 90%.

Trâu lùn 

Đó là loài trâu hoang ở đảo Sulawezi (Indonesia), rất hiếm gặp trên thế giới. Khi đã trưởng thành, con to nhất đàn cũng cao không tới 1 mét, dài không quá 1m8 (trong khi trâu châu Á dài 3 m, trâu châu Phi dài 3m40). Trâu lùn sống trong rừng nhiệt đới và các đầm lầy, lông đen và dài, rạp về phía sau.

Trâu ra đời bằng bào thai đông lạnh

Ngày 26/2/2008, con trâu đầu tiên được sinh sản bằng phương pháp nhân bản vô tính đã chào đời ở Viện nghiên cứu trâu Quảng Tây (Trung Quốc). Bào thai trâu được nhân bản từ tế bào của trâu Mura, sau đó được để trong nitơ lỏng ở nhiệt độ -196độC suốt 320 ngày trước khi được giải đông rồi đưa vào dạ con trâu mẹ “nhờ” đẻ hộ.

Trâu đen sinh nghé trắng 

Một con trâu trong đàn trâu thuần đen của gia đình nông dân Ngô Kim Tước ở thôn Tùng Bách (Thị Bình, Quảng Đông, Trung Quốc) đã sinh ra một chú nghé trắng, trước đây con trâu mẹ đã sinh ra 3 con nghé đều màu đen.

Được biết quanh vùng không có con trâu đực lông trắng nào, các chuyên gia cho rằng đây có lẽ là trường hợp biến dị về gene.

Xe trâu đón dâu

Một lễ cưới tập thể gồm 22 cặp tân hôn diễn ra tại nông trường Trường Lộc, Thuận Đức (Quảng Đông, Trung Quốc). Trong đoàn rước dâu kéo dài hàng trăm mét đến hội trường, người ta thấy có hai cặp ngồi trên xe hoa do trâu kéo lẫn trong đoàn xe hoa gồm các loại ô tô, xe máy.

Thì ra đây là sáng kiến của hai cặp vợ chồng trẻ, họ muốn đám cưới của mình là kỷ niệm khác biệt, khó quên nên đã bàn nhau dùng xe trâu đưa đón dâu. Họ đã đạt được mục đích khi xe hoa cùng ảnh cưới của họ đã được xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông.

Theo Báo Tiền Phong
  • 8.989