Có giữ được những cây thông đỏ cuối cùng?

  •   32
  • 11.940

Từ sự thúc bách của việc hàng loạt cây thông đỏ bị triệt hạ mới đây, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị chính quyền địa phương cần đưa cây thông đỏ vào chương trình "bảo vệ đặc biệt" của tỉnh.

Thực ra, nội dung đề nghị nói trên có thể gọi là bước cao hơn của chương trình bảo vệ thông đỏ ở Lâm Đồng. Bởi cách nay gần hai năm – đầu năm 2008, ngành lâm nghiệp của tỉnh này cũng đã tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ khu vực có thông đỏ để trên cơ sở đó tiến hành khoanh vùng và đưa cây thông đỏ vào diện “thực vật được bảo vệ đặc biệt”.

Cây thông đỏ được nhân giống tại Trung tâm Nghiên cứu lâm sinh Lâm Đồng.

Mặc dầu ngay từ đầu 2008, ở Lâm Đồng, cây thông đỏ đã được khoanh thành “vùng bất khả xâm phạm”, nhưng số phận của quần thể cuối cùng còn sót lại này vẫn cứ bị đe doạ như thường. Ngày 29.9, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết, trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh này tiếp tục có 11 cây thông đỏ bị kẻ gian triệt hạ lén lút.

Số liệu của cơ quan chức năng còn nêu cụ thể: Tại hiện trường, thông đỏ bị triệt hạ ở núi Voi thuộc xã Hiệp An và Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, cơ quan chức năng đã đo đếm được gần 14m2 gỗ thông đỏ do kẻ gian còn để lại (chưa kịp tẩu tán).

Cũng cần biết rằng, nạn “truy sát” những cây thông đỏ cuối cùng của Lâm Đồng không phải chỉ mới diễn ra trong thời gian gần đây.

Theo Trung tâm Nghiên cứu lâm sinh Lâm Đồng (thuộc Bộ NNPTNT), Lâm Đồng là vùng đất hiếm hoi của không chỉ Việt Nam, mà cả Châu Á còn sót lại quần thể thông đỏ - Taxus wallichian Zucc – vô cùng quý hiếm. Từ lâu, trong dân gian đã coi thông đỏ là nguyên liệu để bào chế ra một vài loại thuốc chữa trị một vài loại bệnh nan y.

Đặc biệt, đến năm 1994, giới y học đã công bố một thông tin quan trọng: Từ lá và vỏ cây thông đỏ, có thể chiết xuất ra hai hoạt chất taxol và taxotere để làm nguyên liệu bào chế thuốc điều trị bệnh ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư phổi, xử lý hắc tố... Từ thông tin này, tại Pháp, Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) đã ngay lập tức triển khai đề tài nghiên cứu khoa học có tên “Dự án sản xuất thuốc generic chống ung thư taxol và taxotere ở Việt Nam” và giao nhiệm vụ này cho một nhà khoa học gốc người Việt là tiến sĩ Trần Khánh Viễn.

TS Trần Khánh Viễn trong lời mở đầu của dự án này đã cho biết: Cả hai hoạt chất taxol và taxotere (được phát triển từ phân tử docetaxel hoạt hoá của Cty Sanofi Aventis Pháp) đều được chiết xuất từ vỏ và lá cây thông đỏ và đã mang về những nguồn thu kinh tế khổng lồ cho các hãng sản xuất.

Trong 10 năm, Hãng Bristol Myers Squibb (Pháp) đã thu được 11 tỉ USD từ nguồn bán taxol. Còn đối với Cty Sanofi Aventis thì riêng việc bán taxotere trong năm 2005 đã thu được món lợi khá lớn: 1,7 tỉ USD.

Ở Việt Nam, chỉ riêng Bệnh viện Ung bướu TPHCM trong năm 2006 đã phải chi ra 19 tỉ đồng để mua các biệt dược có nguồn gốc từ taxol và taxotere của nước ngoài về để phục vụ chữa bệnh.

Những năm trước đây việc khai thác bừa bãi cây thông đỏ ở Lâm Đồng cũng như đối với các loại cây rừng khác. Đến khi biết rằng đây là biệt dược thì việc khai thác có thêm mục đích lấy lá, thân, cành, rễ thông đỏ nấu nước uống chữa trị hoặc ngăn ngừa bệnh ung thư (rất phản khoa học và rất nguy hiểm đến tính mạng con người).

Cách nay khoảng 5 năm, theo thống kê của ngành lâm nghiệp, quần thể thông đỏ trưởng thành (hàng nghìn năm tuổi) ở Lâm Đồng còn khoảng 300 cây. Nhưng hiện nay, với những gì đã diễn ra liên quan đến quần thể thông đỏ cuối cùng này, con số cá thể còn lại chỉ chưa đến 100 cây.

Thời gian gần đây, cùng với tiến hành nghiên cứu khoa học nhân giống thông đỏ thì Lâm Đồng cũng đã khuyến khích các đơn vị, cá nhân nhận đất nhận rừng để trồng loại cây quý hiếm này phục vụ cho lợi ích y học. Cố gắng đó thật đáng ghi nhận, nhưng như thế vẫn chưa đủ khi trong thực tế, việc bảo vệ quần thể thông đỏ cuối cùng của Lâm Đồng vẫn chưa mang lại những kết quả khả quan.

Theo Khắc Dũng - Lao động
  • 32
  • 11.940