Hòn bảy Canh tại Vườn quốc gia Côn Đảo được coi là rốn của rùa biền, hàng năm rùa biển vào hòn Bảy Cạnh đẻ trứng và ấp nở hàng chục ngàn rùa con…
Nằm cách đảo lớn khoảng 7 hải lý, Hòn Bảy Cạnh có tổng diện tích khoảng trên 550 ha rừng, trong đó vùng lõi có hơn 10 ha rừng ngập mặn. Tất cả đều nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc biệt, nơi đây còn được coi là "rốn" của rùa biển.
|
Rùa con ấp nở tại Côn Đảo (Ảnh: Vườn Quốc Gia Côn Đảo) |
Theo ông Nguyễn Trường Giang - Phó Phòng Khoa học và Giáo dục môi trường Vườn quốc gia Côn Đảo thì số rùa hàng năm vào hòn Bảy Cạnh đẻ trứng nhiều hơn tất cả số rùa vào các bãi khác của Việt Nam cộng lại.
Chỉ tính trong 6 tháng (từ tháng 4 -11/2006), tại hòn Bảy Cạnh đã có 367 tổ trứng rùa vào đẻ, trong đó lực lượng kiểm lâm đã rời về ấp 281 tổ trứng và đã nở được 29.013 rùa con, tỷ lệ rùa nở đạt trên 82,5%. Đây là một khối lượng lớn công việc mà hàng năm lực lượng kiểm lâm tại Vườn quốc gia Côn Đảo phải nỗ lực thực hiện nhằm giữ gìn và bảo tồn rùa biển.
Anh Trần Quang Thêm - Trưởng Trạm kiểm lâm hòn Bảy Cạnh cho biết: "Do đặc tính của loài rùa chỉ vào bờ đẻ trứng vào ban đêm nên vào mùa rùa đẻ phải huy động anh em làm việc cả đêm mới có thể di dời hết những tổ trứng rùa về nơi an toàn. Chỉ tính bãi Cát Lớn đêm cao điểm nhất có đến 32 con rùa vào đẻ và như thế 3 anh em phải thức trắng đêm". Với anh em kiểm lâm Côn Đảo đây cũng là thời điểm vui nhất trong năm.
Công tác bảo vệ các sinh vật biển, trong đó có rùa biển đạt hiệu quả cao đã giúp cho Vườn quốc gia Côn đảo làm tốt chức năng bảo tồn đa dạng sinh học; bảo vệ sinh cảnh, môi trường của các loài động, thực vật hoang dã trên địa bàn Côn Đảo.
Anh Dương