Con ốc biển và câu chuyện lấy độc trị độc

  •  
  • 1.217

Trong khi nghiên cứu chất độc có thể gây chết người của một loài ốc biển, các nhà khoa học đã phát hiện chất này có tác dụng giảm đau. Nhiều độc tố khác của ốc biển cũng đã được dùng để chữa các bệnh nguy hiểm như tim mạch, Parkinson.

Cone snail

Những người bị đau nhức kinh niên như bệnh nhân bị ung thư, bị cắt cụt tay chân... dùng các thuốc giảm đau thông thường không có hiệu quả, chỉ còn mong vào những thuốc loại morphine - một chế phẩm của thuốc phiện. Morphine dùng lâu gây nghiện, cứ phải tăng liều và đến một lúc nào đó, người ta phải truyền chậm để morphine liên tục có trong máu. Hiện nay, ở Mỹ có gần 50.000 người phải truyền thuốc như vậy. Thế nhưng trong số này, nhiều người vẫn còn đau đớn khổ sở. Hiện đã có thuốc Prialt mạnh gấp 50 lần morphine, dùng dưới dạng bơm truyền. Prialt là một thuốc tổng hợp, giống như độc tố của loài ốc biển hình chóp (cone snail). Từ con ốc biển đến thuốc Prialt là một câu chuyện khá lý thú.

Chuyện bắt đầu từ hai mươi mấy năm về trước. Một nghiên cứu sinh nghèo trẻ tuổi người Philippines tên là Olivera cần làm một đề án nghiên cứu, mà phải ít tốn tiền thì mới có hy vọng hoàn thành được. Hồi nhỏ, anh thích ra đảo san hô kiếm mấy con ốc hình chóp, vì vỏ ốc này nổi tiếng là đẹp và quý giá. Olivera biết những con ốc này có khả năng chích nọc độc vào người và những động vật khác ở biển để tự vệ. Người bị ốc chích toàn thân tê dại, có thể nguy hiểm đến cả tính mạng. Năm 1980, Olivera phân định được độc tố của con ốc biển, mở đầu cho quá trình nghiên cứu đưa đến chế phẩm Prialt. Hiện nay, Olivera là giáo sư môn sinh vật học tại Đại học Utah ở Salt Lake City.

Trong khi nghiên cứu tác dụng của độc tố conotoxiuatrong ốc biển đối với hệ thần kinh trung ương, người ta tình cờ khám phá ra tính làm giảm đau của conotoxin. Khi tín hiệu thần kinh truyền dọc tủy sống đưa lên não, cần có sự vận chuyển ion canxi qua lại màng tế bào. Đường qua lại của ion canxi được đặt tên là “kênh canxi”. Độc tố ốc biển ngăn chặn chất canxi qua lại màng tế bào, nên có tính “ngăn chặn kênh canxi” (calcium channel blocker). Khả năng ngăn chặn này rất chính xác, làm cho tín hiệu đau đớn không tới não được. Hệ thần kinh vẫn làm việc bình thường nên không có những phản ứng phụ của thuốc giảm đau loại morphine.

Hiện nay, người ta đang thử một độc tố khác của con ốc biển, có tính chất bảo vệ dây thần kinh, hy vọng dùng được cho những bệnh nhân bị bệnh động kinh. Ngoài ra, còn một số độc tố của nhiều loại ốc biển khác nhau cũng đang được nghiên cứu để chữa các bệnh tim, mạch máu, bệnh Parkinson...

Đại dương, nguồn dược phẩm bao la

Năm 1928, Fleming (người Anh) tình cờ khám phá ra khả năng diệt trùng của một thứ nấm mốc tên là Penicillium notatum, được điều chế thành thuốc kháng sinh đầu tiên. Sau đó, người ta ồ ạt đào bới khắp các nơi, từ bùn đất ven sông đến rừng rậm để tìm thuốc mới! Ngoài kháng sinh ra, có tới phân nửa các thuốc hiện hành được lấy từ các nguồn môi sinh thiên nhiên. Thế nhưng, như các cụ ta nói “miệng ăn núi lở”, đào bới lắm cũng phải cạn.

Và người ta bắt đầu “dòm ngó” đến biển. Biển cả bao la, chiếm 3/4 diện tích trái đất. Hàng triệu triệu năm có những con vật bé nhỏ vẫn tồn tại trong môi trường “mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé” ấy. Rất nhiều sinh vật có khả năng tiết ra các chất để tự vệ, đối phó với kẻ địch, dù chất tiết ra đã bị pha loãng nhiều trong nước biển. Ngoài ra, thực vật trong biển cả như rong cũng có những chất dùng làm thuốc được. Hiện có nhiều dự án thử các thứ thuốc bắt nguồn từ sinh vật biển, có nhiều hy vọng dùng để chữa ung thư, bệnh nhiễm trùng, bệnh suyễn, bệnh ngoài da...

Có một thứ vi động vật chuyên bám từng mảng vào đá hay dưới đáy tàu thuyền, gọi chung là bryozoa. Mỗi con vật như một hạt bắp mềm mềm có cả hai bộ phận sinh dục để tạo ra tinh trùng và trứng, nhưng cũng trưởng thành bằng cách mọc chùm như loài thực vật. Trong bụng những con bryozoa này có chứa một thứ vi trùng. Từ những vi trùng đó, người ta chế ra chất tên là bryostatin. Chất này dùng chung với các thuốc trị ung thư như cisplatin, Taxol, kết quả tốt hơn rất nhiều. Bryostatin cũng đã được dùng để trị ung thư bạch cầu. Tuy nhiên, để chế ra dược phẩm Bryostatin, phải có nguồn bryozoa khổng lồ. Người ta tính rằng cứ 14 tấn con bryozoa mới chế ra được 18 gam bryostatin! Các nhà dược học đang tiến tới tổng hợp chất này.

Một thí dụ khác là từ một loại bọt biển, người ta chế ra dược phẩm để chữa bệnh hen, có hiệu quả ngang với các thuốc mạnh như steroid mà không bị tác dụng phụ. Hay chất chống viêm pseudopterosin được bào chế từ một loại thực vật bám vào san hô vùng biển Caribe đã được các hãng mỹ phẩm như Estee Lauder dùng từ mươi năm nay để cho vào kem chống nắng.

Môn học nghiên cứu các dược phẩm lấy từ biển, gọi là Marine Pharmacology, ngày càng có tầm vóc lớn. Mấy chục năm trước đây, nó chỉ là môn nghiên cứu thuần túy của những nhà khoa học âm thầm trong phòng thí nghiệm. Bây giờ thì các hãng bào chế lớn như Aventis, Johnson & Johnson, Novartis đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực này. Các chất có khả năng dùng làm dược phẩm được tổng kết hằng năm thuộc đủ mọi chủng loại từ biển. Thí dụ như năm 1999, theo thống kê của trường Midwestern University, các công trình đã tìm được dược chất từ biển gồm:

- 21 chất có tính kháng giun sán, vi trùng, nấm, ký sinh trùng sốt rét, tiểu cầu (giống như aspirine dùng chống đông máu), vi trùng lao, virus.

- 23 chất có ảnh hưởng vào tim mạch, hệ thần kinh, hiện tượng viêm, miễn nhiễm.

- 22 chất có những tác dụng khác.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống
  • 1.217