Liệu bức chân dung đang được lưu giữ tại Geneva (Thụy Sĩ) có thực sự là tác phẩm của danh họa Leonardo da Vinci hay của một họa sĩ vô danh người Đức?
Bức tranh khắc họa khuôn mặt nhìn nghiêng của một thiếu nữ mắt màu xanh lục được đặt cho cái tên mỹ miều là Công chúa xinh đẹp. Được vẽ bằng mực và phấn trên tấm da bò dài khoảng 29cm, màu sắc của bức tranh tỏa sáng không thua bất kỳ bức họa sơn dầu nào.
Vào năm 1998, Peter Silverman, một nhà sưu tập người Canada, lần đầu tiên diện kiến “công chúa” khi nàng được nhà đấu giá Christie’s trình bán tại New York dưới nhãn đề “Đức, đầu thế kỷ 19”. Yêu từ cái nhìn đầu tiên, Silverman tham gia đấu giá để giành lấy nàng. Tuy nhiên vào thời điểm đó, Silverman không đủ sức trả cao hơn 19 ngàn USD và buộc phải nhìn “công chúa” rời khỏi tầm tay. Thế rồi 9 năm sau, như sự sắp đặt của định mệnh, Silverman gặp lại mỹ nhân trong tiệm của một thương gia hội họa nổi tiếng Kate Ganz. Quyết không để mất nàng lần nữa, Silverman mua lại bức chân dung với mức giá không thay đổi và bắt đầu hành trình tìm lại cha đẻ của “công chúa”.
Bức họa Công chúa xinh đẹp được thẩm định là của danh họa Leonardo da Vinci
Peter Silverman tin rằng “công chúa” là kiệt tác của thời đại Phục hưng (khoảng thế kỷ 15-16) chứ không phải thế kỷ 19 như Christie’s đã thẩm định. Nhiều nhà sưu tập khác, trong đó có một chuyên gia của Viện Bảo tàng Louvre (Pháp), cũng đồng quan điểm với ông. Vì thế, vào năm 2007, Silverman quyết định tìm tới sự trợ giúp của Phòng Thí nghiệm Lumière Technology tại Paris. Tại đây, với máy ảnh có độ phân giải cực cao, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một dấu bàn tay trên bức chân dung được cho là rất giống với dấu tìm thấy trong các tác phẩm khác của Leonardo.
Sau đó, Silverman tìm đến Matin Kemp, giáo sư ưu tú của môn lịch sử nghệ thuật tại Đại học Oxford và là chuyên gia về danh họa người Tuscany này. Vào tháng 10/2009, Giáo sư Kemp đã khẳng định bức chân dung chính là tác phẩm của Leonardo và ông cũng chính là người đặt cho bức tranh cái tên Công chúa xinh đẹp. Ông đoán rằng thiếu nữ trong tranh là con gái ngoài giá thú của Công tước Ludovico xứ Milan, Bianca Sforza.
Để xác minh giả thuyết trên, Kemp bay đến Ba Lan để tìm tập sách Sforziade vốn được thực hiện trong thời huy hoàng của dòng tộc Sforza tại thư viện quốc gia của nước này. Một trong 4 tập sách được in nhân dịp đám cưới của Bianca Sforza với tư lệnh Galeazzo Sanseverino. Khi so sánh, một bên rìa của bức tranh hoàn toàn trùng khớp với gáy của quyển sách, khiến không còn gì nghi ngờ về độ xác thực của “công chúa”.
Lập tức, giá trị của bức chân dung thứ 13 của Leonardo da Vinci nhảy vọt lên mức 100 triệu USD. Đến thời điểm hiện nay, con số này đã đạt mức 150 triệu USD. Peter Silverman dự định dùng 80% số tiền thu được từ việc trưng bày bức tranh vào các mục đích từ thiện. Ông cũng mong muốn “công chúa” sẽ được sánh vai cùng các anh chị em của mình trong lễ kỷ niệm 500 năm ngày mất của đại danh họa vào năm 2019.